Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023

Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023

Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cập nhật 2 kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2023 khi Việt Nam phấn đấu GDP cả năm tăng 6-6.5%. Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, diễn ra ngày 4/7.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Nhiều chỉ số quan trọng dần lấy lại được đà tăng trưởng – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, GDP quý 2 tăng 4.14%, tính chung 6 tháng đầu năm nay là 3.72%. Dự báo bối cảnh, tình hình nửa cuối năm và kết quả đạt được 6 tháng qua, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cập nhật lại hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý 3 đạt 6.8%, quý 4 đạt 9% (cao hơn lần lượt 0.3 điểm % và 1.9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8.0%.

Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6.5%; tăng trưởng quý 3 đạt 7.4%, quý 4 đạt 10.3% (cao hơn lần lượt 0.9 điểm % và 3.2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8.9%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình hình thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, cần ý thức được nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội, phấn đấu để kết quả cao nhất theo mục tiêu đã đề ra.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, trong những tháng cuối năm, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp điều hành trọng tâm.

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt thẩm quyền. Khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, DNNN, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.

Thứ tư, tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động. Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 33/NQ-CP về thị trường bất động sản, Nghị quyết số 06/NQ-CP về thị trường lao động,… Theo dõi chặt chẽ tình hình, xử lý vướng mắc, hoàn thiện quy định, tổ chức vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Nhìn lại kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế tháng 6 tốt hơn tháng 5 và quý 2 tốt hơn quý 1.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3.39% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm. Xuất siêu hơn 12.25 tỷ USD. Đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn, ước đạt 1.35 triệu tỷ đồng, tăng 4.7% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công hơn 65,000 tỷ đồng, đạt gần 30.5% kế hoạch.

Dịch vụ vẫn là động lực quan trọng của nền kinh tế, góp 80% vào tăng trưởng chung, với giá trị tăng thêm 6 tháng là 6.3%.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực hơn, với 13,900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6; gần 7,100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 3.1 lần so với cùng kỳ.

Nhiều tín hiệu tích cực song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tình hình kinh tế, xã hội còn những hạn chế, khó khăn. Ông lưu ý các vấn đề, như tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là 3.72%, thấp hơn kịch bản đề ra (6.2%); sản xuất kinh doanh, lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn. Cùng đó, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại phiên họp cũng chỉ ra tăng trưởng thấp của khu vực công nghiệp – xây dựng, hơn 1.1%, là nguyên nhân khiến GDP nửa đầu năm tăng thấp, đạt 60% kế hoạch.

Cùng đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm quý 2 là 2.06%; cắt giảm lao động tập trung tại một số địa phương nhiều khu công nghiệp, khu chế chế xuất, như Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương.

“Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19 còn yếu, nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Dự kiến sau phiên họp, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết phiên họp và Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

https://vn.investing.com/news/economy/bo-kht-dua-ra-2-kich-ban-tang-truong-cho-kinh-te-viet-nam-6-thang-cuoi-nam-2023-2037801

Bài viết liên quan