Cầu tiền và lãi suất

Cầu tiền và lãi suất

CẦU TIỀN LÀ GÌ?

Cầu tiền (money demand) thể hiện nhu cầu nắm giữ các tài sản tài chính dưới dạng tiền mặt của một cá nhân hoặc tổ chức.

Có một điều bạn cần lưu ý khi nói đến cầu tiền, cầu tiền không thể hiện nhu cầu tiền mặt của một cá nhân hay tổ chức (bởi vì chắc chắn ai cũng muốn có càng nhiều tiền càng tốt), mà nó trả lời cho câu hỏi, bạn muốn nắm giữ bao nhiêu tài sản tài chính tại một thời điểm xác định dưới dạng tiền mặt (thay vì trái phiếu, cổ phiếu hay gửi tiết kiệm,…).

Lấy một ví dụ đơn giản. Nếu như bạn có 20 triệu đồng tiền mặt, bạn có ý định gửi tiết kiệm ngân hàng 5 triệu đồng và giữ lại 15 triệu đồng nhằm mục đích thanh toán các khoản chi phí, khi đó cầu tiền của bạn là 15 triệu đồng.

Một trường hợp khác, một công ty nắm giữ $200,000 tiền mặt, tuy nhiên họ cần đầu tư vào một dự án trị giá $500,000. Khi đó, cầu tiền của công ty này là $500,000. Để có được số tiền này, họ cần đi vay hoặc phát hành trái phiếu, sau đó bán trái phiếu nhằm huy động vốn vay.

Như vậy động cơ nào khiến mọi người muốn nắm giữ tiền mặt? Theo quan điểm của nhà kinh tế học huyền thoại Keynes, con người có 3 động cơ chính khiến họ muốn nắm giữ tiền mặt:

  • Nhu cầu thanh toán (transaction demand): Các khoản chi phí thiết yếu đối với mỗi cá nhân hay tổ chức là luôn luôn có, cùng với việc thời điểm xuất hiện chi phí là lệch nhau, do đó, một khoản tiền dùng để sử dụng cho mục đích thanh toán là cần phải có. Ví dụ, một hộ gia đình luôn cần tiền mặt nhằm thanh toán các khoản tiền điện, nước, mua nhu yếu phẩm,… Thông thường, khi nền kinh tế tăng trưởng, nhu cầu thanh toán cũng sẽ tăng theo.
  • Nhu cầu phòng vệ (precautionary demand): Con người thường giữ một khoản tiền nhằm dự phòng các tình huống không thể dự đoán được trước sẽ xảy ra trong tương lai mà cần đến tiền. Giống như việc các ngân hàng thương mại sẽ phải trích lập khoản dự phòng khi tồn tại nợ xấu, khi tổ chức đi vay có nguy cơ bị vỡ nợ.
  • Nhu cầu đầu cơ (speculative demand): Trên thị trường FX, nhu cầu đầu cơ vào một đồng tiền sẽ tăng lên khi nhiều người nghĩ đồng tiền này sẽ tăng giá trong tương lai. Ngoài ra, nhu cầu đầu cơ tiền mặt cũng được thể hiện qua việc bạn muốn được nắm giữ tiền mặt thay vì nắm giữ các tài sản tài chính khác (như cổ phiếu, trái phiếu), vì bạn cho rằng chúng rủi ro hơn tiền mặt. Do đó, cầu tiền trong trường hợp này sẽ tăng lên khi lợi nhuận kỳ vọng của các tài sản rủi ro giảm xuống, hoặc rủi ro của chúng tăng lên.

LÃI SUẤT LÀ GÌ?

Lãi suất (interest rate) thường được sử dụng khi xảy ra hoạt động vay tiền mặt, chính là chi phí mà người đi vay phải trả cho người cho vay. Tuy nhiên khi xét ở góc độ vĩ mô, lãi suất còn mang một ý nghĩa rộng hơn. Đó là chi phí của tiền, hay nói cách khác, đó là chi phí của việc nắm giữ tiền mặt. Bạn càng nắm giữ nhiều tiền mặt thì bạn sẽ càng phải chịu nhiều chi phí. Tại sao lại nói như vậy?

Nếu tại một thời điểm nào đó bạn không có tiền mặt, tuy nhiên bạn có cầu tiền. Khi đó bạn sẽ đi vay và sẽ phải thanh toán gốc và lãi suất trong tương lai. Điều đó có nghĩa rằng lãi suất chính là chi phí của việc nắm giữ tiền tại thời điểm hiện tại, điều mà bạn sẽ không phải chi trả nếu bạn không vay tiền.

Lấy một ví dụ khác khi bạn có sẵn một khoản tiền mặt. Nếu bạn đầu tư chúng vào các tài sản phi rủi ro có lợi suất như trái phiếu chính phủ, hay gửi tiết kiệm tại các ngân hàng có xếp hạng tín dụng cao, bạn sẽ được hưởng một khoản lãi suất hoặc lợi suất. Tuy nhiên, nếu như bạn nắm giữ toàn bộ số tiền đó dưới dạng tiền mặt, bạn sẽ không được hưởng lợi từ mức lãi suất đó. Như vậy, chi phí cơ hội của việc nắm giữ tiền mặt chính là lãi suất (mà bạn có thể được hưởng nếu như mua trái phiếu).

Từ hai ví dụ trên, bạn có thể phần nào hiểu được, tại sao lãi suất chính là chi phí của tiền.

MỐI QUAN HỆ GIỮA CUNG TIỀN, CẦU TIỀN VÀ LÃI SUẤT

Đối với hàng hóa, khi giá tăng, cầu sẽ giảm. Đối với tiền cũng vậy, khi lãi suất tăng (chi phí của tiền tăng), cầu tiền sẽ giảm. Bởi khi đó, bạn sẽ có xu hướng đầu tư nhiều hơn, ít nhất là vào các tài sản phi rủi ro như trái phiếu chính phủ với mức lợi suất cao, và giảm bớt nhu cầu nắm giữ tiền mặt. Ngược lại, khi lãi suất giảm, cầu tiền sẽ tăng lên. Do đó, bạn có thể xây dựng đường cầu tiền theo lãi suất như dưới đây, là một đường cong dốc xuống.

Quan hệ cầu tiền và lãi suất

Đối với cung tiền, các NHTW hoàn toàn có khả năng kiểm soát cung tiền theo ý muốn của họ, bất chấp lãi suất trên thị trường tăng hay giảm. Khi họ chưa có sự thay đổi về chính sách tiền tệ, cung tiền sẽ luôn là một đại lượng cố định. Vì vậy, đường cung tiền sẽ là một đường thẳng song song với trục hoành, tức là không phụ thuộc vào lãi suất.

Quan hệ cung tiền và lãi suất

Nếu chúng ta xây dựng các đường cung và cầu tiền trên cùng một đồ thị, chúng sẽ cắt nhau tại một điểm duy nhất, tại điểm đó, mức lãi suất được gọi là lãi suất cân bằng. Thông thường, lãi suất trên thị trường sẽ luôn luôn có xu hướng tiến đến mức cân bằng, tại điểm đó, lượng tiền mà mọi người muốn giữ sẽ luôn bằng lượng cung tiền trong nền kinh tế.

Cung tiền, cầu tiền và lãi suất cân bằng r*

Khi lãi suất thấp hơn lãi suất cân bằng (tại lãi suất r1 như trong hình), cầu tiền vượt cung tiền, khi đó con người sẽ muốn nắm giữ nhiều tiền mặt hơn, họ sẽ bán bớt trái phiếu, dẫn đến việc trái phiếu bị giảm giá và đẩy lợi suất trái phiếu tăng trở lại đến mức cân bằng. Ngược lại, khi lãi suất cao hơn lãi suất cân bằng (tại lãi suất r0 như trong hình), cầu tiền thấp hơn cung tiền, mọi người sẽ ít có nhu cầu nắm giữ tiền mặt và mua trái phiếu, đẩy lợi suất giảm xuống, lãi suất sẽ tiến lại mức cân bằng.

Bài viết liên quan