Chứng khoán Việt Nam được dự báo lọt top tăng mạnh nhất châu Á trong năm 2024

Chứng khoán Việt Nam được dự báo lọt top tăng mạnh nhất châu Á trong năm 2024

Thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương lập đỉnh mới trong năm 2023, với Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh nhất khu vực. Chứng khoán khu vực này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Vậy thị trường nào sẽ có hiệu suất vượt trội trong năm 2024? Theo các chuyên viên phân tích, đó sẽ là Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam.

Việt Nam

Việt Nam hưởng lợi từ làn sóng “Trung Quốc cộng 1”, trong đó các công ty đa dạng hóa sản xuất để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đất nước hình chữ S được dự báo tăng trưởng 6%-6.5% trong năm 2024 nhờ hoạt động thương mại mạnh mẽ cũng như sự hồi phục của hoạt động sản xuất.

Việt Nam cũng có triển vọng đầy hứa hẹn với các công ty nước ngoài. Trong năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 14% so với cùng kỳ.

Theo dữ liệu từ LSEG, khoảng 29 tỷ USD FDI được cam kết đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm.

Trung Quốc chiếm một nửa lượng vốn FDI mới chảy vào Việt Nam trong năm 2023. Theo Yun Liu, Chuyên gia kinh tế về ASEAN tại HSBC, điều này phản ánh sự hấp dẫn của đất nước hình chữ S như một công xưởng sản xuất đang lên.

Ông Andy Ho, CEO VinaCapital, nhận định đây là thời điểm hợp lý để nhà đầu tư bước vào thị trường Việt Nam.

“Trong vòng 6-12 tháng, Việt Nam sẽ là một thị trường tuyệt vời khi định giá không đắt, ở mức P/E 11-12 lần (xét trên lợi nhuận năm 2023). Con số này thấp hơn 20%-25% so với mức trung bình khu vực”, ông Ho chia sẻ.

“Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày đã tăng từ 500 triệu USD (1 năm trước) lên 1 tỷ USD ngày nay”, ông nói, đồng thời chỉ tới các cơ hội đầu tư ở lĩnh vực tiêu dùng, y tế và bất động sản.

“Người dân dần nhận ra khi có nhiều tiền, họ không muốn bỏ vào ngân hàng vì lãi suất đang quá thấp và xem xét các phương án khác”, vị CEO VinaCapital đánh giá.

Theo Tyler Nguyen, Giám đốc Khối khách hàng Định chế tại Maybank Invesment Bank, nhà đầu tư nên xem xét lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng của lĩnh vực này tăng trưởng 20%-30% mỗi năm”, ông nói. Hiện thương mại điện tử chiếm chỉ 2%-3% doanh số bán lẻ.

Khi được hỏi về khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI, ông Tyler Nguyen cho rằng thị trường Việt Nam vẫn còn “non trẻ”, nhưng có thể “đón tin tốt vào năm 2025”.

Ấn Độ

Năm 2023, Ấn Độ nổi lên như một trong những thị trường được yêu thích nhất trong khu vực khi giới đầu tư lạc quan về triển vọng dài hạn của xứ sở cà ri.

Chỉ số chuẩn Nifty 50 đã tăng 20% trong năm 2023 và liên tục phá kỷ lục. Còn tăng trưởng kinh tế Ấn Độ được dự báo vượt trội hơn các nền kinh tế khác ở châu Á trong năm 2024, với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP thực của đất nước tỷ dân này sẽ tăng trưởng 6.3% trong năm 2024, ngang với năm 2023.

Triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ là động lực thúc đẩy chứng khoán mạnh mẽ ngay khi quốc gia láng giềng Trung Quốc đang chật vật vực dậy nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ hưởng lợi từ lợi nhuận cao của giới doanh nghiệp, các đợt giảm lãi suất cùng với tỷ lệ tham gia ngày càng lớn hơn của nhà đầu tư nội địa. Tất cả yếu tố này được kỳ vọng sẽ kéo dài chuỗi tăng của Nifty 50 trong năm nay.

Lá bài ẩn của năm 2024 sẽ là các cuộc bầu cử tại Ấn Độ. Các chiến lược gia từ JPMorgan dự báo Nifty 50 sẽ chạm 25,000 điểm, nếu Đảng Bharatiya Janata tiếp tục cầm quyền. Mục tiêu này tương đương với mức tăng 15% so với mức cuối năm 2023.

Tuy vậy, JPMorgan cảnh báo rằng “nếu kết quả bầu cử không như dự báo, cùng với suy thoái toàn cầu, căng thẳng địa chính trị, giá dầu cao hơn hoặc tỷ lệ thất nghiệp cao hơn”, chỉ số Nifty có thể rơi xuống 16,000 điểm.

Nhật Bản

Nikkei 225 là chỉ số chứng khoán có màn trình diễn ấn tượng nhất ở châu Á trong năm 2023 và các nhà phân tích tin rằng thị trường chứng khoán nước này còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2024.

Trong năm ngoái, ​​chỉ số Nikkei 225 tăng 28%, còn Topix vọt hơn 25%.

Chứng khoán Nhật Bản được thúc đẩy nhờ lợi nhuận doanh nghiệp cao và hy vọng ngày càng tăng rằng NHTW Nhật Bản cuối cùng có thể chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sau nhiều thập kỷ duy trì lãi suất gần bằng 0.

Masashi Akutsu, Chiến lược gia tại BofA Global Research, cho biết ông kỳ vọng đà tăng trưởng ở thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Ngoài ra, ông cũng chú ý tới sự gia tăng đầu tư từ khối ngoại.

Các chiến lược gia tại BofA dự báo Nikkei 225 sẽ chạm mốc 37,500 điểm vào cuối năm 2024. Chỉ số này hiện giao dịch ở mức 33,464 điểm.

Akutsu cho biết công nghệ và ngân hàng là những lựa chọn hàng đầu của BofA trong năm 2024.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) khép lại cuộc họp cuối cùng của năm 2023 với quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức -0.1%, đồng thời duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, giữ giới hạn trên cho lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 1% làm tham chiếu.

Tuy nhiên, nền kinh tế chậm lại và lạm phát hạ nhiệt có thể đặt ra thách thức tiềm ẩn với BoJ ngay khi họ muốn chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

https://vietstock.vn/2024/01/chung-khoan-viet-nam-duoc-du-bao-lot-top-tang-manh-nhat-chau-a-trong-nam-2024-773-1144026.htm

Bài viết liên quan