Đồng Yên phục hồi mạnh, tín hiệu gì về câu chuyện tỷ giá?

Đồng Yên phục hồi mạnh, tín hiệu gì về câu chuyện tỷ giá?

Trong 6 tháng đầu năm, đồng Yên Nhật là đồng tiền rớt giá mạnh nhất ở khu vực châu Á trong bối cảnh chính sách tiền tệ trái chiều giữa Nhật Bản và Mỹ.

Tuy nhiên, đồng Yên bất ngờ hồi phục mạnh trong mấy ngày gần đây, mang đến những tia hy vọng le lói về một bước ngoặt trong câu chuyện tỷ giá thu hút sự quan tâm của giới đầu tư toàn cầu suốt thời gian qua.

Tỷ giá của Yên so với USD đã tăng lên mức cao nhất 1 tháng, và đã xuất hiện những dự báo cho rằng Yên sẽ hồi phục 10% một khi Nhật Bản có động thái “thay đổi” trong chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Dự báo lạc quan này còn vấp phải không ít hoài nghi, nhưng giới phân tích cho rằng những dấu hiệu cho thấy đồng Yên bước vào một giai đoạn bước ngoặt đang tăng lên mạnh mẽ.

Đứng trước những thay đổi như vậy, các nhà đầu cơ trên thị trường tiền tệ chưa vội thay đổi ngay các trạng thái trong danh mục, nhưng một số đã bắt đầu đa dạng hoá sự đặt cược của mình. Trong đó, nhiều người đặt hy vọng vào một sự hồi phục mạnh của đồng Yên trong trường hợp nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Đồng Yên hưởng lợi từ nguy cơ suy thoái toàn cầu

Không khó để hiểu những diễn biến này. Các nền kinh tế lớn đang đối mặt nguy cơ suy thoái, hoặc chí ít là sụt tốc, ngày càng lớn vì ngân hàng trung ương của các nước này buộc phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lại tình trạng lạm phát dai dẳng hơn dự báo – theo các nhà kinh tế của ngân hàng JPMorgan Chase.

Mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu có lợi cho tỷ giá đồng Yên, vì đồng tiền này thường được xem là một “hầm trú ẩn” khi kinh tế bất ổn. Trong khi đó, đồng Yên đang bị xem là định giá thấp hơn giá trị thực bởi tỷ giá dựa trên tỷ trọng thương mại và điều chỉnh theo lạm phát của đồng tiền này đang dao động quanh ngưỡng thấp nhất kể từ năm 1971.

“Chúng ta đang tiến gần hơn tới một cuộc suy thoái toàn cầu, và khả năng đó càng về cuối năm 2023 và sang năm 2024 lại càng tăng lên”, chiến lượng gia Viraj Patel của Vanda Research nhận định. Ông Patel dự báo đồng Yên sẽ tăng 20% nếu kinh tế thế giới suy thoái. “Đây chỉ là vấn đề thời gian, thay vì chất xúc tác có thể đi chệch hướng”, vị chiến lược gia nói.

Trên thực tế, đồng Yên so với USD đã tăng khoảng 3% trong tháng này, vượt trội so với hầu hết các đồng tiền khác trong nhóm 10 đồng tiền chủ chốt của thế giới (G10), sau khi giữ vị trí đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong nửa đầu năm. Đồng Yên phục hồi vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 140 Yên đổi 1 USD, hoàn tất phiên tăng thứ 5 liên tục. Trên thị trường quyền chọn, giới đầu tư dường như đang đặt cược vào sự phục hồi cao hơn của Yên trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ra quyết định lãi suất vào cuối tháng này.

Vào đầu năm nay, các nhà đầu cơ giá lên đồng Yên có lý do để lạc quan. Năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã có động thái bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ lần đầu tiên kể từ năm 1998, đạt ra một mặt sàn cho sự rớt giá của Yên. BOJ có vẻ đang tiến tới siết lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, và các ngân hàng trung ương khác dường như sắp cắt giảm lãi suất vì nền kinh tế giảm tốc. Đồng Yên trượt giá trở lại về vùng tỷ giá dẫn tới đợt can thiệp vào tháng 10 năm ngoái. Đến hiện tại, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vẫn chưa có thêm hành động nào ngoài việc đưa ra những cảnh báo miệng, và Fed tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.

Dự báo tích cực về tỷ giá đồng Yên?

UBS Global Wealth Management dự báo thời điểm kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sẽ giữ vai trò chủ chốt trong diễn biến tỷ giá đồng Yên. Công ty quản lý tài sản Thuỵ Sỹ này đã giảm dự báo về tỷ giá đồng Yên vào cuối năm nay, nhưng ông Dominic Schnider – trưởng bộ phận ngoại hối và hàng hoá cơ bản toàn cầu của UBS Global Wealth Management – vẫn giữ quan điểm lạc quan, dự báo đồng Yên sẽ kết thúc năm 2023 với mức tăng hơn 9%, đạt 128 Yên đổi 1 USD.

đồng Yên sẽ tăng giá khi dữ liệu kinh tế Mỹ bắt đầu yếu đi. Ông nói thêm: “Việc đầu cơ giá lên đồng Yên cũng đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa rủi ro trong danh mục đầu tư trong trường hợp căng thẳng mới xuất hiện trên thị trường tài chính”, nhấn mạnh sự phục hồi của đồng Yên vào tháng 3 khi một số ngân hàng khu vực của Mỹ sụp đổ.

Capital Economics cũng giữ nguyên dự báo về sự phục hồi của Yên, với mục tiêu cuối năm là 130 Yên Đổi 1 USD. Công ty nghiên cứu và phân tích này kỳ vọng các tài sản an toàn như Yên sẽ lấy lại vị thế đã mất trong nửa cuối năm này, khi các nền kinh tế phát triển rơi vào suy thoái và tâm lý ưa thích rủi ro giảm sút.

Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự báo tỷ giá Yên/USD đạt mức 135 trong 6 tháng tới, trong khi thị trường kỳ hạn cho thấy xu hướng tăng giá vừa phải hơn của đồng Yên.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu cơ ở Phố Wall vẫn chưa cảm thấy bị thuyết phục bởi các dự báo về sự hồi phục của đồng Yên. Trong tuần trước, các công ty quản lý tài sản đã tăng đặt cược vào sự mất giá của Yên, nâng giá trị đặt cược như vậy lên mức cao nhất trong năm nay, và các quỹ sử dụng đòn bẩy tài chính cũng tăng các vị thế bán khống đồng Yên. Hôm thứ Sáu, ngân hàng JPMorgan (NYSE:JPM) điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/Yên vào cuối năm từ 142 Yên đổi 1 USD lên 152, ngụ ý đồng Yên sẽ mất giá thêm 7,5%.

Nhưng lý do để đồng Yên hồi phục là điều khó có thể phủ nhận. Ngân hàng Bank of America (NYSE:BAC) dự báo đồng Yên sẽ chỉ giảm 3% xuống còn 145 JPY/USD vào cuối năm nay, và có khả năng tăng giá vào năm tới khi một cuộc suy thoái xảy ra trên quy mô lớn.

Ông Athanasios Vamvakidis, một chiến lược gia của Bank of America, nhận định khi Fed rốt cục buộc phải cắt giảm lãi suất – vào khoảng giữa năm 2024 theo ước tính của ngân hàng này – thì đồng Yên cuối cùng sẽ tăng giá. “Tất cả chỉ là vấn đề thời gian”, vị chiến lược gia phát biểu.

https://vn.investing.com/news/forex-news/dong-yen-phuc-hoi-manh-tin-hieu-gi-ve-cau-chuyen-ty-gia-2038809

Bài viết liên quan