“Ế vốn” giá cao, ngân hàng “đua” giảm lãi suất các khoản cho vay mới

“Ế vốn” giá cao, ngân hàng “đua” giảm lãi suất các khoản cho vay mới

“Ế vốn” giá cao, ngân hàng “đua” giảm lãi suất các khoản cho vay mới

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết với các khoản vay mới, lãi suất đầu vào hiện tại đã giảm mạnh và tăng trưởng tín dụng đang rất thấp nên ngân hàng phải hạ lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn.

Tín dụng tăng trưởng chậm nhất 10 năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lãi suất huy động tăng cao cuối năm ngoái và 2 tháng đầu năm nay trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản khó khăn, khiến người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng, chủ yếu gửi kỳ hạn dài. Huy động vốn tăng, trong khi tín dụng chậm lại khiến các ngân hàng càng thêm mắc kẹt với lãi suất huy động giá cao, khó giảm lãi suất cho vay.

Tín dụng tăng trưởng chậm nhất 10 năm

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm 2023 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành từ 0,5%-2%. Tính đến hết tháng Sáu, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7%-0,8%, lãi vay giảm 1%-1,2%. Các ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước đi đầu trong việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng công bố mức giảm rất sâu.

Dù lãi suất huy động giảm nhanh và mạnh nhưng nhưng theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy dòng tiền từ dân cư tiếp tục đổ về các tổ chức tín dụng. Cụ thể, tính đến cuối tháng Tư, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt 6,332 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng 7,96% so với cuối năm 2022 (tăng hơn 467.000 tỷ đồng).

Tháng Tư cũng đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận mức tăng lượng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng. So với tháng trước, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng đến 52.000 tỷ đồng.

Trong chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng lại đánh dấu xu hướng giảm sâu. 2 tháng đầu năm, tiền gửi của nhóm này giảm 338.000 tỷ đồng, đến tháng Ba tăng trở lại 48.000 tỷ đồng song không giữ được đà tăng này.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bình quân trong 6 tháng đầu năm 2023 có 16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng. Cụ thể, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200 doanh nghiệp (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước); 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%); 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%).

Chính vì vậy tính đến cuối tháng Sáu, tín dụng mới tăng 4,03%, tương đương khoảng 450.000 tỷ đồng vốn cho vay nền kinh tế. Nửa năm, tín dụng đi chưa được 1/3 kế hoạch. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính sơ bộ, đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm.

Sau khi liên tục tăng vào cuối năm 2022, tín dụng đã giảm khá mạnh vào tháng Một, tháng Hai năm nay. Nhu cầu vay vốn chỉ nhích lên rõ hơn từ khoảng tháng Ba sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành.

Theo bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm là do cầu của nền kinh tế yếu, trong cả sản xuất và tiêu dùng.

Khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không có đơn hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp trả lời khó khăn nhất hiện nay là đơn hàng. Khi không có đơn hàng hoặc đơn hàng ít thì buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Như vậy, có tiếp cận tín dụng cũng không có đầu ra của sản phẩm,” bà Mùi cho biết.

Nỗ lực giảm lãi suất

Ông Đào Minh Tú cho hay việc giảm lãi suất cho vay là một trong 8 chính sách được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên những tháng đầu năm. Chính vì vậy mới đây, một loạt các ngân hàng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng hiện hữu.

Chia sẻ cùng doanh nghiệp, ngân hàng đã BIDV (HM:BID) dành 300.000 tỷ đồng để cho vay với mức lãi thấp hơn từ 0,5%-2%/năm.

“Giảm lãi suất từ 0,5%-2% so với lãi suất cho vay thông thường. Quy định rõ ràng điều kiện tham gia và trong quá trình triển khai, có sự đánh giá để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn và chỉnh sửa kịp thời”, bà Phạm Thị Vân Khánh, Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp BIDV cho biết.

Trong khi đó, đại diện Agribank cho biết vừa có lần điều chỉnh thứ 6 giảm lãi suất cho vay. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất-kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Đây là chương trình cho vay của ngân hàng này trong gói tín dụng 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD cho khách hàng doanh nghiệp, trong đó lãi suất cho vay USD từ 3%/năm.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (HM:LPB) LPBank cũng đã quyết định mở rộng gói tín dụng ưu đãi lên 10.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh ở cả thành thị và nông thôn. Mức lãi suất từ 7,5%/năm dành cho vay doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân.

Khảo sát ở nhiều ngân hàng như VietinBank, Vietcombank (HM:VCB), TPBank, Sacombank (HM:STB), MSB cho thấy các gói vay ưu đãi hiện đang thấp hơn từ 0,5%-2%/năm tùy thuộc nhóm khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách miễn giảm phí dịch vụ chuyển tiền hay giảm phí thanh toán xuất nhập khẩu.

Lãnh đạo một số ngân hàng lý giải do lãi suất các khoản vay hiện hữu được cho vay từ nguồn vốn huy động lãi suất cao cuối năm ngoái và đầu năm nay, chu kỳ điều chỉnh lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng cũng thường từ 3-6 tháng nên chưa thể giảm ngay. Trong khi đó, với các khoản vay mới, lãi suất đầu vào hiện tại đã giảm mạnh và tăng trưởng tín dụng đang rất thấp buộc các ngân hàng phải hạ lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn.

Khách hàng giao dịch tại BIDV. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lãi suất trong xu hướng hạ, song rủi ro của nền kinh tế đang gia tăng, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi cho vay ra, doanh nghiệp vay vốn sẽ không dễ dàng. Về phía doanh nghiệp, ngay cả với doanh nghiệp khỏe, thì nhu cầu vay vốn cũng chỉ ở mức “cầm chừng” do đầu ra khó khăn, sức cầu thị trường giảm, hàng hóa bán chậm. Chỉ khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn, doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn.

Đại diện Công ty chứng khoán Maybank cũng cho rằng dù lãi suất điều hành đã giảm đến 4 lần, song lãi suất cho vay vẫn đang được neo ở mức cao. Điều này chủ yếu do các ngân hàng bị “mắc kẹt” với nguồn vốn huy động chi phí cao trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên các khoản tiền gửi lãi suất cao này đang dần được trung hòa và sắp tới lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm.

“Để lãi suất cho vay trở lại bình thường và khỏe mạnh cho nền kinh tế thì phải giảm khoảng 1,5 điểm % so với hiện tại. Ngoài ra, lãi suất điều hành có thể giảm thêm ít nhất 0,5% trong khoảng 3 tháng tới,” đại diện Maybank nhấn mạnh.

Các ngân hàng quốc tế tại Việt Nam như HSBC, UOB, Standard Chartered  đều kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản nữa xuống còn 4,0% vào quý 3 (mức tương tự như trong những năm đại dịch) và giữ nguyên cho đến cuối năm 2024 và 2025.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết các tổ chức tín dụng cũng đang tích cực giảm lãi suất, do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới./.

https://vn.investing.com/news/economy/-von-gia-cao-ngan-hang-dua-giam-lai-suat-cac-khoan-cho-vay-moi-2038648

Bài viết liên quan