GDP và tăng trưởng kinh tế

GDP và tăng trưởng kinh tế

GDP là gì?

GDP (Gross Domestic Product), hay còn gọi là tổng sản phẩm quốc nội, đo lường tổng giá trị của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia, trong một khoảng thời gian nhất định.

Một khái niệm bạn cần hiểu rõ đó là “hàng hóa và dịch vụ cuối cùng”, đó là các loại hàng hóa và dịch vụ được bên mua mua và sử dụng chúng, không phải là mua, chế biến và được bán lại cho một bên mua khác (gọi là hàng hóa và dịch vụ chuyển tiếp). Giá trị của hàng hóa chuyển tiếp không được tính vào GDP.

Chính vì GDP đo lường tổng sản lượng được sản xuất và tiêu thụ của một quốc gia, nên GDP là chỉ số phổ biến nhất được dùng để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế.

Cách tính GDP

Tổng giá trị các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng chính xác bằng tổng chi tiêu của các thực thể trong nền kinh tế cho các hàng hóa đó. Do đó, GDP có thể được tính dựa trên phương pháp chi tiêu: bằng với tổng chi tiêu của các thực thể trong nền kinh tế, bao gồm chi tiêu đến từ nhóm người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ và nước ngoài. Công thức tính GDP theo phương pháp chi tiêu được xây dựng như dưới đây:

GDP = C + I + G + (EX – IM)

Trong đó: C (consumption) là chi tiêu tiêu dùng cá nhân, I (investment) là đầu tư tư nhân, G (government spending) là chi tiêu chính phủ, EX (export) là tổng lượng xuất khẩu còn IM (import) là tổng lượng nhập khẩu.

Chi tiêu tiêu dùng

Thông thường, chi tiêu đến từ nhóm người tiêu dùng sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cấu phần GDP của một quốc gia. Tiêu dùng lớn thể hiện nhiều hàng hóa, dịch vụ được tạo ra trong nền kinh tế được tiêu thụ.

Một số số liệu kinh tế như doanh số bán lẻ, số lượng đơn đặt hàng hóa sẽ phần nào phản ánh cấu phần chi tiêu tiêu dùng.

Đầu tư tư nhân

Khái niệm “đầu tư” được sử dụng ở đây không phải là đầu tư vào các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, mà là khoản đầu tư đến từ khối doanh nghiệp vào các loại tài sản cố định, như máy móc, thiết bị, hàng tồn kho. Do đó, đầu tư tư nhân phản ánh chi tiêu đến từ khối doanh nghiệp.

Chi tiêu chính phủ

Chi tiêu chính phủ phản ánh lượng chi tiêu đến từ chính phủ quốc gia, chính quyền địa phương hoặc chính quyền bang, tiểu bang đối với các hàng hóa và dịch vụ. Có thể kể đến một số ví dụ như đầu tư cầu đường, nhà xưởng, bệnh viện, hay chi phí phát triển quân đội. Chi tiêu của chính phủ cũng được thống kê vào hai loại, đó là chi tiêu tiêu dùng và đầu tư.

Xuất khẩu ròng

Xuất khẩu ròng (chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu, hay cán cân thương mại) cũng là một cấu phần trong GDP. Xuất khẩu thể hiện chi tiêu của người và doanh nghiệp nước ngoài đối với hàng hóa của một quốc gia, thể hiện lượng hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ bởi nước ngoài. Ngược lại, trong các cấu phần chi tiêu, đầu tư, chúng bao gồm chi tiêu và đầu tư đối với hàng hóa trong nước và cả nước ngoài, trong khi hàng hóa nước ngoài không được tính vào GDP, do đó, cần phải trừ đi tổng giá trị nhập khẩu trong công thức tính GDP theo chi tiêu.

Ngoài ra, GDP cũng có thể được tính theo phương pháp thu nhập, bằng với tổng thu nhập của toàn bộ thực thể trong nền kinh tế: lương người lao động, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập,…

Thống kê GDP

GDP của một quốc gia thường được thống kê và tính toán bởi các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó, thường là Cục thống kê. GDP được công bố theo tháng, theo quý hoặc theo năm tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia. Sau khi một tháng, quý hay năm kết thúc, Cục thống kê cần tương đối nhiều thời gian để thống kê và tính toán GDP, do đó, số liệu GDP được công bố thường sẽ có một độ trễ nhất định.

Thời gian thống kê càng lớn, độ chính xác càng cao, tuy nhiên để công bố số liệu GDP sớm nhất, các nước sẽ chia làm nhiều phiên bản khác nhau để công bố. Chẳng hạn, Mỹ sẽ công bố 3 phiên bản GDP hàng quý:

  • GDP sơ bộ (Flash) sẽ được công bố vào thời điểm 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
  • GDP sơ bộ lần 2 (Preliminary) được công bố 60 ngày sau khi kết thúc quý.
  • GDP chính thức (Final) được công bố trong vòng 85 ngày sau khi kết thúc quý đó.

GDP danh nghĩa và GDP thực

GDP danh nghĩa (nominal GDP) cho thấy tổng giá trị của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ trong nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định theo mức giá tại thời gian đó. Vì vậy, đôi khi đánh giá tăng trưởng GDP theo GDP danh nghĩa sẽ không phản ánh được sự tăng trưởng trong tổng sản lượng của nền kinh tế do sự có mặt của lạm phát. Để loại bỏ điều này, người ta sử dụng GDP thực (real GDP), thống kê tổng giá trị hàng hóa cuối cùng của nền kinh tế theo một mức giá được quy định tại một thời điểm mốc nào đó.

Sự khác nhau về mức giá tại các thời điểm khác nhau của nền kinh tế tạo nên sự khác biệt giữa GDP danh nghĩa và GDP thực trong cùng một khoảng thời gian, nói cách khác, sự chênh lệnh giữa hai loại GDP này có được do lạm phát. Tỷ lệ giữa GDP danh nghĩa và GDP thực được gọi là hệ số giảm phát GDP (GDP deflator), và tỷ lệ lạm phát được tính theo hệ số giảm phát GDP được xác định dựa trên sự thay đổi trong hệ số giảm phát GDP, tức là: 

Tăng trưởng GDP

Tăng trưởng GDP là sự thay đổi trong GDP thực trong một khoảng thời gian nhất định so với một khoảng thời gian trước đó. Mức tăng trưởng GDP của một quý có thể so sánh với quý trước, hoặc với cùng kỳ năm trước đó nhằm loại bỏ yếu tố chu kỳ.

Một số quốc gia cũng công bố tăng trưởng GDP so với quý trước theo dạng chuẩn hóa theo năm (annualized), do đó bạn cần chú ý kỹ khi phân tích tăng trưởng GDP của các quốc gia trên thế giới, bởi mỗi quốc gia khác nhau sẽ công bố các con số tăng trưởng theo các dạng khác nhau.

Ví dụ: GDP quý 2/2020 của Mỹ giảm 31.4% so với quý trước (đã được annualized), có nghĩa giảm 9.0% so với quý trước.

(1 – 0.09)4 = 1 – 0.314

Sự tăng trưởng GDP của một quốc gia được coi như sự tăng trưởng (expansion) của nền kinh tế quốc gia đó. Ngược lại, nếu GDP quý sau thấp hơn quý trước đó, khi đó tỷ lệ tăng trưởng GDP sẽ đạt mức âm, nền kinh tế chứng kiến sự tăng trưởng âm (contraction).

Ngoài ra, dưới đây cũng là một số khái niệm khác liên quan đến nền kinh tế được định nghĩa từ tốc độ tăng trưởng GDP:

  • Bùng nổ (boom): Mức tăng trưởng GDP vượt quá mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế.
  • Đình trệ (stagnation): Mức tăng trưởng GDP thấp xảy ra trong một thời gian dài. Hiện tại, không có một định nghĩa chính xác nào về con số được gọi là thấp.
  • Suy thoái (recession): Nền kinh tế chứng kiến mức tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp.
  • Khủng hoảng (depression): Suy thoái kinh tế diễn ra trong một khoảng thời gian dài, thường đi kèm với những hiệu ứng tiêu cực khác, như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
  • Hồi phục (recovery): GDP tăng trưởng trở lại về mức trước khi suy thoái xảy ra.

GDP và GNP

Một khái niệm khác cũng hay được sử dụng bên cạnh GDP là GNP (Gross National Product), tức là tổng sản phẩm quốc dân, là tổng giá trị của các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất bởi toàn bộ công dân mang quốc tịch của một đất nước. Nếu như GDP tính toán tổng sản lượng được tạo ra trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia, không quan trọng là người dân trong nước hay nước ngoài, thì GNP phản ánh tổng sản lượng được tạo ra bởi chính công dân của nước đó sinh sống trong nước và nước ngoài, và không bao gồm các công dân nước ngoài làm việc trong lãnh thổ nước đó.

So sánh GDP và GNP. Ảnh: The Balance

Bài viết liên quan