Ngày 27/10 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP. HCM (VCCI-HCM) cùng với Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại Singapore (HKETOSIN), Cục xúc tiến đầu tư Hồng Kông (Invest HK), Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV) đã tổ chức Hội thảo “Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao (GBA): Cơ hội đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam” tại Khách sạn Lotte Hotel Saigon, Quận 1.
- Xem toàn bộ hình ảnh của Hội thảo GBA
Với mục đích cung cấp những thông tin cập nhật nhất về các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại GBA trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như cách thức tận dụng vị trí cửa ngõ chiến lược dẫn vào GBA của Hồng Kông để nắm bắt các cơ hội thị trường trong khu vực đang phát triển nhanh chóng này, sự kiện đã mời các chuyên gia tại Hồng Kông và Việt Nam cùng tham gia chia sẻ, gồm: ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI tại TP. HCM, ông Wong Chun To – Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại Singapore (HKETOSIN), ông Tommy Yuen – Ủy viên Phát triển Khu vực Vinh Lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao (GBA), ông Melvin Lee – Cục Trưởng Cục Xúc tiến Đầu tư Hồng Kông (InvestHK), bà Tina Phan – Giám đốc tại Đông Dương của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC), ông Tuấn Bùi – Phó Tổng Giám Đốc của Deloitte Việt Nam và ông Michael Kokalari – Nhà Kinh Tế Trưởng của VinaCapital.
Toàn cảnh Hội thảo về Khu vực Vịnh Lớn ngày 27/10 vừa qua.
Sự kiện đã nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp phía Nam, và thu hút sự tham dự của các lãnh đạo và đại điện cấp cao đến từ hơn 110 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính – ngân hàng, công nghệ, xuất nhập khẩu, thương mại, logistics, và các ngành dịch vụ chuyên môn.
Hơn 110 khách mời là lãnh đạo cấp cao đến từ các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc Liêm cho biết, Hồng Kông hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam trong đó Việt Nam luôn xuất siêu hàng hóa sang Hồng Kông. Chẳng hạn, năm 2020, sau 1 năm tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hồng Kông, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hồng Kông đạt 11,5 tỉ USD tăng 36,4% so với năm 2019. Sang năm 2021, tuy bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 thị trường vẫn tiếp tục tăng cao 18%, Việt Nam xuất siêu sang Hồng Kông 10,4 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2020.
Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI-HCM phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Về đầu tư, Hồng Kông có trên 2.000 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 28,6 tỉ USD, đứng thứ 5/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Hồng Kông còn khá khiêm tốn, 26 dự án với tổng số vốn đầu tư 48,5 triệu USD.
Đại diện cho phía Hồng Kông gửi lời chào mừng đến các đại biểu tham dự hội thảo, ông Wong Chun To cho biết GBA đang là một thị trường phát triển nhanh chóng, là cửa ngõ kết nối thị trường đại lục (TQ) với khu vực và thế giới. Ông cũng chia sẽ những thông tin cập nhật mới nhất về Hồng Kông, bao gồm các chi tiết về việc dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với người nhập cảnh cũng như “Bài phát biểu về chính sách năm 2022 của Đặc khu Trưởng Hồng Kông”, bao gồm các chiến lược của Chính phủ để thu hút các doanh nghiệp và nhân tài nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố. Chính vì vậy, ông Wong khẳng định các đơn vị xúc tiến thương mại Hồng Kông tại Việt Nam đang sẵn sàng kết nối để các hiệp hội và doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang tìm kiếm cơ hội, mở rộng hợp tác đầu tư vào đặc khu hành chính Hồng Kông.
Ông Wong Chun To – Giám đốc HKETOSIN phát biểu chào mừng các đại biểu.
Ủy viên phát triển GBA – ông Tommy Yuen cho biết: “Việc phát triển GBA không chỉ là một chiến lược phát triển quốc gia quan trọng trong việc Trung Quốc liên tục theo đuổi công cuộc cải cách và mở cửa trong Kỷ nguyên mới, nó còn là một bước tiến xa hơn để hoàn thiện thêm chính sách “Một quốc gia, hai hệ thống”. Thông qua các đột phá về chính sách nhằm tăng cường hợp tác giữa Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao, mục tiêu là tận dụng lợi thế bổ sung của ba nơi để phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nên một vùng vịnh đẳng cấp thế giới để sinh sống, làm việc và du lịch”. “Với sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ ở cả cấp quốc gia và địa phương và tiềm năng phát triển to lớn, GBA sẽ vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong thập kỷ tới và hơn thế nữa”, ông Tommy Yuen nhấn mạnh.
Ông Tommy Yuen – Ủy viên phát triển GBA chia sẻ trực tuyến tại Hội thảo.
Tham gia phần thảo luận của hội thảo được dẫn dắt bởi ông Wong Chun To, các chuyên gia gồm ông Melvin Lee – Cục Trưởng InvestHK, bà Tina Phan – Giám đốc tại Đông Dương của HKTDC, ông Tuấn Bùi – Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, và ông Michael Kokalari – Nhà Kinh tế trưởng của VinaCapital đã trao đổi nhiều nội dung xoay quanh những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế khu vực mang lại cho các doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các lời khuyên nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với các thách thức và nắm bắt được các cơ hội này.
Các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo (từ trái qua): ông Wong Chun To – Giám đốc HKETOSIN, bà Tina Phan – Giám đốc tại Đông Dương của HKTDC, ông Michael Kokalari – Nhà Kinh Tế Trưởng của VinaCapita, ông Melvin Lee – Cục Trưởng InvestHK, và ông Tuấn Bùi – Phó Tổng Giám Đốc của Deloitte Việt Nam.
Ông Melvin Lee cho biết hoạt động giao thương của Việt Nam gắn bó chặt chẽ với Khu vực Vịnh Lớn, gồm 2 đặc khu hành chính Hồng Kông, Ma Cao và 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, một thị trường rộng lớn với 86 triệu người. Trong đó, Hồng Kông là trung tâm tài chính, giao thông, thương mại và hàng không quốc tế của khu vực Vịnh Lớn, cũng như toàn thế giới, là cổng kết nối quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập, tận dụng các cơ hội để đầu tư kinh doanh tại khu vực Vịnh Lớn cũng như thị trường Trung Quốc.
Theo bà Võ Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh, việc xuất xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam đi các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc thông qua cửa ngõ Hồng Kông đều có lợi thế về chi phí logistics. Hồng Kông đã kết nối đường bộ trực tiếp đến Macao và Quảng Đông, do vậy, với các hàng nông-thuỷ sản từ Việt Nam cần vận chuyển nhanh vào Trung Quốc thì trung chuyển qua Hồng Kông rất thuận lợi. Ngoài ra, dịch vụ hải quan cùng với hệ thống hạ tầng cảng cũng là một lợi thế cạnh tranh của đặc khu hành chính này.
Phần hỏi – đáp đã diễn ra sôi nổi và hào hứng với hàng chục câu hỏi đến từ các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam, xoay quanh những vấn đề về thủ tục đầu tư, lĩnh vực ưu tiên và các chính sách ưu đãi của Hồng Kông dành cho nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến ưu đãi thuế suất, chính sách hỗ trợ các startup Việt, kết nối mở rộng suất bay vận tải hàng hoá từ Việt Nam, chính sách nhập cảnh dành cho nhà đầu tư và thân nhân, v.v…
Hình ảnh các đại biểu đặt câu hỏi cho các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo.
Kết thúc nội dung chính của hội thảo, các doanh nghiệp đã dành thời gian ở lai tham dự buổi tiệc trưa để giao lưu, kết nối cùng đại diện các cơ quan xúc tiến Hồng Kông và những khách mời khách trong sự kiện nhằm tìm kiếm những cơ hội kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới.
Các khách mời dùng tiệc trưa sau Hội thảo.
Các khách mời chụp hình lưu niệm cùng đại diện các cơ quan xúc tiến của Việt Nam và Hồng Kông.
Hội thảo diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh là khởi đầu quan trọng cho việc cung cấp thông tin về các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại GBA trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như cách thức tận dụng vị trí cửa ngõ chiến lược dẫn vào GBA của Hồng Kông để nắm bắt các cơ hội thị trường trong khu vực đang phát triển nhanh chóng này. Đồng thời, hội thảo là một phần trong nỗ lực không ngừng của HKETO Singapore nhằm thúc đẩy Hồng Kông trở thành cửa ngõ lý tưởng vào GBA cho các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam.