JPMorgan mở ví điện tử dành cho tiền số

JPMorgan mở ví điện tử dành cho tiền số

JPMorgan (Mỹ) lập ví điện tử cho tiền số, chuẩn bị cung cấp dịch vụ chuyển tiền, trao đổi, xử lý thanh toán…

JPMorgan Chase đã chính thức đăng ký và được cấp bằng sáng chế cho “Ví JP Morgan” bởi Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ (USPTO). Động thái trên cho thấy gã khổng lồ tài chính này tiếp tục lấn sâu vào cung cấp dịch vụ tiền số và Bitcoin cho nhóm khách hàng hiện có của mình.

Cụ thể, JPMorgan sẽ cung cấp các dịch vụ liên quan đến chuyển tiền số trên chuỗi khối (blockchain), dịch vụ trao đổi, xử lý thanh toán tiền số bao gồm xử lý thanh toán thông qua thẻ tín dụng và tiền số “tươi”. Ví điện tử trên cũng đứng ra xử lý các khoản thanh toán xuyên biên giới như các khoản thanh toán ngoại hối bằng các loại tiền tệ khác nhau qua nhiều nước và các dịch vụ liên quan đến việc tạo, quản lý tài khoản séc ảo.

Thương hiệu ví điện tử JPMorgan được phê duyệt vào ngày 15/11. Theo thông tin từ Justia – một trang web của Mỹ chuyên truy xuất thông tin pháp lý – hãng dịch vụ tài chính này đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu từ tháng 7/2020.

Mặc dù CEO Jamie Dimon trước đây từng phản đối tiền số, JPMorgan vẫn đang tham gia ngày càng sâu vào lĩnh vực mới nổi này. Động thái trên diễn ra vào thời điểm thị trường tiền số đang gặp khủng hoảng sau sự sụp đổ của FTX.

Kể từ năm 2017, CEO của JP Morgan luôn duy trì lập trường chống lại Bitcoin và tiền số. Ông từng gọi chúng là “lừa đảo” và các khoản đầu tư liên quan đến tài sản số đều tồi tệ. Thái độ cực đoan của lãnh đạo này càng rõ ràng đến mức ông tuyên bố sẽ sa thải bất kỳ nhà giao dịch nào của JP Morgan liên quan đến tiền số.

Tuy nhiên, hội đồng quản trị của gã khổng lồ tài chính Mỹ lại có cái nhìn khác. Hồi đầu năm 2021, đồng chủ tịch Daniel Pinto tuyên bố JP Morgan sẵn sàng tham gia vào Bitcoin và tiền số nếu nhu cầu tiếp tục tăng.

Gần đây JPMorgan đã cùng với Ngân hàng Fidelity và Ngân hàng New York Mellon cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền số như thanh toán và trao đổi. Đồng thời, đơn vị này ngày càng tập trung vào việc tìm cách nâng cấp và hiện đại hóa hoạt động kinh doanh của mình. Một phần trong kế hoạch này là mua lại công ty khởi nghiệp về thanh toán Renovite Technologies nhằm đẩy nhanh việc cung cấp các dịch vụ thanh toán đám mây.

Nhìn chung, số lượng các công ty tài chính truyền thống bắt đầu tham gia vào thị trường tiền số đã tăng lên trong những tháng gần đây bất chấp sắc đỏ đang thịnh hành. Đơn cử, Visa đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ví tiền điện tử vào tháng 10 cùng với bằng sáng chế để biến tiền định danh vật lý thành phiên bản số hóa. American Express gần đây cũng tiếp cận thị trường tiền số nhằm tìm cách cải thiện hoạt động kinh doanh và tiếp cận với cơ sở khách hàng mới.

Không chỉ tại Mỹ, Ngân hàng Union của Philippines – nhà băng lớn nhất trong nước – có stablecoin được chốt bằng đồng peso của riêng mình. Đầu tháng này, Ngân hàng Union thông báo sẽ cung cấp dịch vụ giao dịch tiền số. Một trong những ngân hàng lớn nhất ở Nhật Bản – Nomura, cũng sẽ cung cấp cho khách hàng tổ chức dịch vụ giao dịch tiền số vào đầu năm 2023. Gần đây nhất, Man Group – quỹ phòng hộ niêm yết công khai lớn nhất thế giới, được cho là sẽ phát triển dịch vụ giao dịch tiền số. Quỹ này đang có hơn 97 tỷ USD tài sản được quản lý.

https://vnexpress.net/jpmorgan-mo-vi-dien-tu-danh-cho-tien-so-4539487.html

Bài viết liên quan