Lạm phát kỳ vọng là gì?
Lạm phát kỳ vọng (inflation expectation) là mức lạm phát mà mọi người dự đoán sẽ xảy ra trong tương lai.
Lạm phát kỳ vọng quan trọng như thế nào?
Những điều được mọi người kỳ vọng trong tương lai đều sẽ ảnh hưởng đến hành vi của họ trong hiện tại. Ví dụ, nếu lạm phát kỳ vọng trong năm tới đạt mức 3%, các doanh nghiệp nghĩ rằng chi phí nguyên vật liệu đầu vào sẽ tăng 3%, vì vậy họ cũng sẽ tăng giá thành sản phẩm thêm 3% để đảm bảo biên lợi nhuận. Khi đó, người lao động cũng có thể đòi hỏi tăng lương thêm 3% để có thể đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, và tất cả các điều này khiến lạm phát thực sự tăng thêm 3%.
Nếu kỳ vọng lạm phát trong tương lai là tương đối cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn trong hiện tại bởi giá của chúng đang rẻ hơn tương lai, điều này khiến nhu cầu tăng lên và có thể khiến lạm phát thực sự tăng lên.
Đó là ý nghĩa của lạm phát kỳ vọng đối với những người tiêu dùng và doanh nghiệp, vậy còn với NHTW thì sao?
Hãy nhớ, mục tiêu quan trọng nhất của các NHTW là kiểm soát lạm phát. Vì vậy, các nhà làm luật nhìn vào con số lạm phát kỳ vọng để biết được liệu chính sách của họ có đang hiệu quả hay không. Chẳng hạn, mục tiêu lạm phát của Fed là 2%, tuy vậy lạm phát kỳ vọng tại Mỹ đang là 1%, điều này chứng tỏ mọi người dân Mỹ đang không tin chính sách của Fed hiệu quả. Hơn nữa, việc kỳ vọng lạm phát ở mức thấp cũng khiến cho hành vi của các doanh nghiệp và người tiêu dùng thay đổi, các hành động của họ sẽ khiến lạm phát thực tế tiến gần tới mức 1% hơn, và khiến Fed khó khăn hơn trong việc đưa lạm phát trở lại mức 2%. Như vậy, lạm phát kỳ vọng cũng là điều mà các NHTW cần quan tâm trong việc triển khai chính sách tiền tệ, họ luôn nỗ lực để đưa lạm phát cũng như lạm phát kỳ vọng gần với mức mục tiêu.
Lạm phát kỳ vọng được đo lường như thế nào?
Nếu như lạm phát được đo lường bởi các chỉ số giá như CPI, PCE, HICP, thì có 3 cách để đo lường lạm phát kỳ vọng: thực hiện khảo sát, dựa trên dự báo của các chuyên gia kinh tế, hoặc dựa trên các công cụ tài chính trên thị trường.
Bằng cách thực hiện khảo sát, các tổ chức sẽ đứng ra khảo sát các người tiêu dùng, các nhà đầu tư hay các doanh nghiệp về mức lạm phát họ dự báo trong tương lai, sau đó lấy trung bình của các câu trả lời mà họ nhận được để công bố mức lạm phát kỳ vọng. Các tổ chức khảo sát tại Mỹ nổi bật đó là Đại học Michigan, hay Fed Philadelphia.
Đối với phương pháp dự báo, các nhà kinh tế sẽ dựa trên các mô hình dự báo của họ dựa trên các số liệu kinh tế, thông qua đó tính toán và dự báo được mức lạm phát trong tương lai.
Tuy vậy phương pháp đo lường lạm phát kỳ vọng phổ biến hơn cả đó là dựa trên kỳ vọng của thị trường, tức là dựa trên các tài sản tài chính đang được giao dịch trên thị trường.
Chỉ báo để đo lường lạm phát kỳ vọng được biết tới rộng rãi nhất có lẽ là mức chênh lệch giữa lợi suất giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ chống lạm phát (TIPS) cùng kỳ hạn (breakeven inflation rate), và kỳ hạn hay được sử dụng nhất là kỳ hạn 10 năm. Lạm phát kỳ vọng 10 năm tại Mỹ được tính toán bằng cách lấy lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm trừ đi lợi suất TIPS 10 năm, thể hiện mức lạm phát trung bình được kỳ vọng trong 10 năm tới. Chẳng hạn, nếu lợi suất Kho bạc 10 năm đang ở mức 1.05%, và lợi suất TIPS 10 năm đang ở mức -1.04%, tức là lạm phát kỳ vọng 10 năm là 1.05% – (-1.04%) = 2.09%.
Công thức tính lạm phát kỳ vọng phía trên được xây dựng dựa trên cơ sở hết sức đơn giản: Khi nhà đầu tư lo sợ lạm phát sẽ tăng, nhu cầu của họ đối với trái phiếu chống lạm phát (TIPS) sẽ tăng lên, khiến giá của chúng tăng và đẩy lợi suất của chúng giảm xuống. Giả sử lợi suất trái phiếu chính phủ không thay đổi, điều này sẽ khiến lạm phát kỳ vọng tăng lên.
Ngoài ra, các mức lạm phát kỳ vọng 5 năm hay 30 năm cũng được tính toán bằng phương pháp tương tự.
Tuy vậy, gần đây Fed đã tập trung hơn vào việc đo lường lạm phát kỳ vọng dựa trên lợi suất của hợp đồng tương lai kỳ hạn 5 năm của trái phiếu Kho bạc 5 năm (5y5y breakeven inflation rate). Con số này thể hiện mức lạm phát trung bình trong khoảng thời gian từ đầu năm thứ 6 đến cuối năm thứ 10 tính từ thời điểm hiện tại. Lạm phát kỳ vọng 5y5y được tính toán bằng phương pháp và công thức dưới đây:
Phương pháp trên được tính toán dựa trên giả định lạm phát trung bình trong khoảng thời gian từ năm thứ 1-5 là A, lạm phát trung bình trong khoảng thời gian từ năm thứ 1-10 là C, thì lạm phát trong khoảng thời gian từ năm thứ 6-10 là B thỏa mãn:
(1 + A)5(1 + B)5 = (1 + C)10
Việc sử dụng lạm phát kỳ vọng 5y5y cho thấy sự đo lường chính xác hơn về lạm phát đang được thị trường kỳ vọng, bởi vốn dĩ TIPS ít được giao dịch trên thị trường hơn trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, nên có thanh khoản kém và đôi khi lợi suất không phản ánh chính xác kỳ vọng. Có thể nói, con số lạm phát kỳ vọng 5y5y là một cách để “lọc nhiễu” khi tính lạm phát kỳ vọng.
Các nhà kinh tế tại Fed đã lập ra một chỉ số lạm phát kỳ vọng bình quân (Index of Common Inflation Expectations – CIE), được tính toán dựa trên bình quân 21 chỉ số lạm phát kỳ vọng khác được sử dụng, được xây dựng bằng cả 3 phương pháp được nêu trên. Trong một bài phát biểu vào ngày 16/11/2020, phó Thống đốc Richard Clarida cho biết ông sử dụng chỉ số CIE để đánh giá liệu chính sách tiền tệ của Fed có hiệu quả hay không. CIE thường rất ổn định ở mức gần 2% kể từ những năm 2000, gần với mục tiêu của Fed.
NHTW tác động lên lạm phát kỳ vọng như thế nào?
Cách đơn giản nhất để tác động lên lạm phát kỳ vọng đó là chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, khi Fed thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ vào tháng 3 năm nay, bằng việc hạ lãi suất chính sách cũng như tung ra gói QE không giới hạn ra thị trường, điều này trong tương lai sẽ dẫn đến lạm phát tăng, và các nhà đầu tư thị trường cũng kỳ vọng như vậy, khiến lạm phát kỳ vọng liên tục tăng lên kể từ thời điểm đó (xem ảnh phía trên).