Lạm phát là gì?

Lạm phát là gì?

Lạm phát là gì?

Lạm phát (inflation) là hiện tượng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế tăng lên.

Khi mức giá của hàng hóa tăng lên, với cùng một lượng tiền tệ, bạn sẽ chỉ mua được ít hàng hóa hơn so với trước đó. Vì vậy, lạm phát cho thấy sự mất giá trị của khả năng thanh toán của một đồng tiền tệ trong một quốc gia.

Tỷ lệ lạm phát

Mức tăng của giá cả trong nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm) được gọi là tỷ lệ lạm phát (inflation rate). Tỷ lệ lạm phát được tính toán dựa trên một số chỉ số giá, sẽ được trình bày cụ thể ở phần dưới.

Ngược lại với lạm phát là giảm phát (deflation), là hiện tượng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế giảm đi. Nói cách khác, tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức âm.

Lạm phát phi mã (hyperinflation) là hiện tượng lạm phát với tỷ lệ lạm phát rất lớn, như 500%-1000% một năm, thậm chí lớn hơn.

Siêu lạm phát tại Zimbabwe

Chỉ số đo lường lạm phát

Tỷ lệ lạm phát đo lường mức thay đổi của mặt bằng giá cả của hàng hóa trong một nền kinh tế. Tuy vậy, các mức thay đổi giá của từng loại hàng hóa khác nhau là khác nhau (chẳng hạn trong 1 năm, giá thịt lợn tăng 20%, nhưng giá sữa chỉ tăng 4%), do đó cần phải có một chỉ số giá được xây dựng dựa trên các mặt hàng trong nền kinh tế để tính toán chỉ số lạm phát, dựa trên sự thay đổi của chỉ số giá.

Một rổ hàng hóa là điều kiện cần để xây dựng chỉ số giá. Trong đó, rổ hàng hóa bao gồm nhiều loại hàng hóa khác nhau với tỷ trọng khác nhau, và chỉ số giá sẽ thể hiện giá của toàn bộ rổ hàng hóa đó. Thông thường, rổ hàng hóa được xây dựng dựa trên khảo sát về tỷ lệ chi tiêu đối với các mặt hàng của các thực thể trong nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát chính là tỷ lệ tăng hay giảm của chỉ số giá so với một khoảng thời gian trước đó (thường là so với cùng kỳ năm trước).

CPI

Chỉ số thông dụng nhất được sử dụng để tính toán lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index – CPI). Rổ hàng hóa dùng để tính toán chỉ số này bao gồm các hàng hóa và dịch vụ trong tiêu dùng, như thực phẩm, đồ gia dụng, dịch vụ y tế. Danh mục các mặt hàng trong rổ hàng hóa này thường được cố định trong một thời kỳ nhất định, và các chỉ số giá có danh mục cố định này được xếp vào loại chỉ số Laspeyres.

Một số mặt hàng trong danh mục CPI

Sự thay đổi của chỉ số CPI được gọi là lạm phát toàn phần (headline inflation). Một số quốc gia còn công bố một số phiên bản khác của chỉ số CPI, chẳng hạn:

  • CPI lõi (core CPI): là chỉ số CPI sau khi bỏ đi thực phẩm, đồ uống và năng lượng khỏi danh mục rổ hàng hóa. Mức thay đổi của chỉ số CPI lõi được gọi là lạm phát cơ bản (core inflation). Lạm phát cơ bản hay được các nhà làm luật hướng đến, bởi chúng loại bỏ đi những sự biến động mạnh ngắn hạn của giá thực phẩm cũng như giá dầu, rất dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết.
  • CPI-U (Urban CPI): là chỉ số CPI được khảo sát bởi chi tiêu của người tiêu dùng tại khu vực thành thị.

PCE

Chỉ số tiêu dùng cá nhân (Personal Consumption Expenditure – PCE) là một chỉ số lạm phát được sử dụng tại Mỹ, cũng được tính toán từ các mặt hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, sự khác biệt của chỉ số PCE so với CPI đó là danh mục rổ hàng hóa trong tính toán chỉ số PCE được thay đổi sau mỗi thời gian khảo sát, điều này khắc phục được nhiều nhược điểm của chỉ số CPI cũng như các chỉ số Laspeyres nói riêng, bởi tỷ lệ chi tiêu cho các mặt hàng luôn luôn thay đổi theo thời gian, cũng như nhiều mặt hàng trong rổ hàng hóa trước đó có thể bị lỗi thời. Các chỉ số như PCE được xếp vào loại chỉ số Paasche. Kể từ năm 2000, Fed đặt ra mục tiêu lạm phát của NHTW này theo chỉ số PCE thay vì CPI như trước kia.

Hãy lấy một ví dụ cơ bản để bạn có thể phân biệt rõ ràng hơn về chỉ số CPI và PCE. Dưới đây là 3 rổ hàng hóa được xây dựng vào 3 thời điểm khác nhau trong cùng một quốc gia.

Thời gian (phải) 2017   2018   2019  
Hàng hóa (dưới) Tỷ trọng Giá Tỷ trọng Giá Tỷ trọng Giá
Gạo 50 kg $3/kg 70 kg $4/kg 80 kg $4.2/kg
Xăng 70 lít $4.4/lít 60 lít $4.5/lít 80 lít $4.8/lít

Giá sử chỉ số CPI sử dụng rổ hàng hóa của năm 2017 làm mốc. Như vậy, ta có thể tính chỉ số CPI và lạm phát của các năm như dưới đây:

Năm CPI Tỷ lệ lạm phát
2017 50 × 3 + 70 × 4.4 = 458  
2018 50 × 4 + 70 × 4.5 = 515 515/458 – 1 = 12.45%
2019 50 × 4.2 + 70 × 4.8 = 546 546/515 – 1 = 6.02%

Đối với việc tính toán lạm phát bằng chỉ số PCE, trong năm 2018, rổ hàng hóa của năm 2018 được sử dụng làm mốc. Tương tự, năm 2019, rổ hàng hóa của năm 2019 được sử dụng làm tham chiếu. Do đó, lạm phát cho các năm 2018 và 2019 sẽ được tính như dưới đây:

HICP

Một trong những nhiệm vụ của ECB đó là kiểm soát lạm phát, tuy nhiên, chỉ số CPI của các quốc gia thành viên khác nhau được xây dựng bởi một rổ hàng hóa khác nhau, do đó ECB không thể lấy CPI làm thước đo cho mục tiêu lạm phát. Thay vào đó, họ xây dựng chỉ số HICP (Harmonised Index of Consumer Prices), cũng là một chỉ số giá tiêu dùng, tuy nhiên danh mục rổ hàng hóa của chỉ số HICP này là giống nhau cho tất cả các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên Eurozone sẽ công bố lạm phát theo HICP, và lạm phát của khối đồng tiền chung này cũng sẽ được xây dựng dựa trên bình quân HICP của các nước trong khu vực.

PPI

Chỉ số giá sản xuất (Producer Price Index – PPI) là một chỉ số giá được xây dựng từ giá trị của các mặt hàng trong sản xuất, bao gồm các nguyên vật liệu đầu vào, máy móc thiết bị,…

Hệ số giảm phát GDP

Đây là một chỉ số giá đặc biệt mà tôi đã trình bày trong bài viết GDP. Nếu như các chỉ số giá khác chỉ được xây dựng dựa trên một rổ hàng hóa nhất định, thì chỉ số này bao gồm toàn bộ các mặt hàng trong nền kinh tế, với tỷ trọng giống hệt với tỷ trọng sản xuất và tiêu thụ trong nền kinh tế của chúng.

Nguyên nhân của lạm phát

Hai nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát xảy ra trong nền kinh tế, được gọi là cầu kéo và chi phí đẩy.

Lạm phát do cầu kéo

Trong sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tăng lên. Nếu như quy mô sản xuất hay nguồn cung không được mở rộng kịp thời, sẽ dẫn đến sự thiếu hụt hàng hóa. Điều này khiến giá hàng hóa sẽ được tăng lên để cung và cầu được cân bằng, tức là lạm phát xảy ra, được gọi là lạm phát do cầu kéo (demand-pull inflation).

Khi tổng cầu tăng (AD1 dịch sang thành AD2) mà tổng cung không đổi (đường AS), giá tăng dẫn đến lạm phát

Lạm phát do chi phí đẩy

Tại các doanh nghiệp, khi chi phí tăng lên, để đảm bảo lợi nhuận không bị sụt giảm, họ cũng sẽ tăng giá bán đầu ra của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, điều này dẫn đến lạm phát do chi phí đẩy (cost-push inflation). Một trong những thành phần chi phí lớn nhất cấu thành trong sản phẩm là chi phí nhân công, là một loại chi phí rất dễ tăng lên theo thời gian.

Bài viết liên quan