Tại Mỹ, khách hàng đổ xô đến các cửa hàng xe đạp nhưng lại thường ra về “tay trắng”. Hoặc nếu may mắn, họ có thể sở hữu một chiếc xe đạp với mức giá liên tục tăng kể từ năm ngoái.
Một chiếc Santa Cruz Hightower – xe đạp leo núi loại full-suspension (xe có 2 giảm xóc) có giá 4.749 USD, tăng 10% so với đầu năm nay. Tuy nhiên, khi lượng hàng tồn kho ở mức rất thấp, người mua có thể phải chờ đợi mẫu tiếp theo ra mắt vào mùa hè và với mức giá cao hơn. Sở thích này đang chịu ảnh hưởng bởi một làn sóng diễn ra trên diện rộng về áp lực lạm phát đang lan tràn khắp nước Mỹ. Tình trạng này tạo rủi ro cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế và nhu cầu trên toàn thế giới tăng vọt.
Cũng giống những ngành khác, các công ty sản xuất xe đạp đang phải gánh chịu chi phí cao hơn do giá nguyên vật liệu tăng, các nhà máy gặp khó khăn và hệ thống giao hàng bị quá tải. Họ đã phải nỗ lực vượt qua những vấn đề này mà không khiến nhu cầu của khách hàng bị sụt giảm. Các giám đốc điều hành cũng dự đoán mức giá còn tăng mạnh hơn, khi nguồn cung có khả năng vẫn thấp và nhu cầu tăng cao trong ít nhất là năm tới.
Tại Mỹ, giá của mọi loại sản phẩm, từ gỗ xẻ cho đến bỉm trẻ em đều tăng vọt trong năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,2% trong 1 năm tính đến tháng 4, mức cao nhất kể từ năm 2008. Số liệu mới về lạm phát tháng 5 sẽ được công bố vào thứ Năm.
Chính quyền Tổng thống Biden và Fed cho biết lạm phát có thể sẽ hạ nhiệt vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất xe đạp, nhiều người cho rằng mức tăng sẽ còn kéo dài hơn.
Nếu nhiều loại giá cả trên thế giới cũng chứng kiến tình trạng tương tự, thì điều đó có thể khiến các cử tri của đảng Dân chủ không hài lòng, trong bối cảnh đảng Dân chủ chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Đảng Cộng hòa đã lập luận rằng gói chi tiêu quy mô lớn của ông Biden là nguyên nhân gây lạm phát.
Kể từ khi Mỹ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, người dân đã ồ ạt mua xe đạp để tập thể dục, một phần để hạn chế sử dụng các phương tiện công cộng. Theo các hãng bán lẻ và công ty sản xuất xe đạp, hiện nay, khoản tiền tiết kiệm trong thời gian Mỹ phong tỏa khiến nhu cầu tăng cao.
Ngoài ra, họ cũng nhắc đến một số yếu tố khác. Từng đạp xe cùng bạn trong thời kỳ đại dịch, giờ đây một số khách hàng muốn mua chiếc xe cho riêng mình. Nhiều nơi trước đó phong tỏa khu phố và tạo thêm làn đường cho xe đạp trong thời kỳ đại dịch đã tiếp tục thực hiện sự thay đổi đó. Theo đó, nhu cầu đang bùng nổ ở khắp nơi, từ các nhà bán lẻ lớn như Walmart – nơi bán nhiều loại xe đạp, cho đến những cửa hàng chuyên biệt.
Theo công ty nghiên cứu NPD Group, doanh số bán xe đạp tại Mỹ tăng 77% trong năm nay, tính đến tháng 3 và đạt 6,7 tỷ USD. Trong khi đó, khoản tiền trung bình người tiêu dùng phải chi cho một chiếc xe đạp tăng 27%. Nguyên nhân một phần do giá tăng và một phần do hàng tồn kho thấp, theo đó khách hàng phải lựa chọn những mẫu đắt tiền hơn.
David Conte – CFO của Conte’s Bike Shop, cho hay: “Chúng tôi chứng kiến thêm một đợt tăng nữa, một vấn đề tạo ra nhiều điều tiêu cực và chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu.” Ông cho biết, công ty chỉ nhận được chưa đến 1 nửa số xe đạp họ đặt mua. Dẫu vậy, Conte’s Bike Shop vẫn còn hàng để bán, trong khi kệ hàng ở một số nhà bán lẻ nhỏ còn trống trơn.
Trong khi đó, vấn đề về chuỗi cung ứng là điều mà các công ty sản xuất xe đạp phải đối mặt từ trước khi đại dịch diễn ra.
Vào cuối năm 2019, các thương hiệu lớn đã ngừng đặt hàng từ Trung Quốc – nơi sản xuất hầu hết xe đạp và phụ tùng, để chờ đợi mức thuế 25% của chính quyền Donald Trump được dỡ bỏ, theo Jay Townley – cựu CEO công ty xe đạp và hiện là nhà tư vấn của Powered Solutions.
Việc miễn trừ thuế đã được thông qua và các công ty xe đạp bắt đầu đặt hàng vào đầu năm 2020, khi các nhà máy Trung Quốc đóng cửa vào dịp Tết Nguyên đán. Sau đó, Covid-19 bắt đầu bùng phát và họ tiếp tục đóng cửa.
Việc xe đạp được miễn thuế đã không còn được áp dụng và không có dấu hiệu cho thấy yêu cầu này được gia hạn thêm. Chưa dừng ở đó, giá cước vận chuyển cho 1 container từ Trung Quốc đến Bờ Tây Mỹ đã dao động ở gần mức cao kỷ lục trong vài tháng. Những khoản chi phí đắt đỏ này vẫn chưa có gì thay đổi, khi giá vận chuyển cao vẫn nằm trong điều khoản hợp đồng cho năm tới.
Ngoài ra, việc thực hiện đơn hàng cũng mất nhiều thời gian hơn. Một số khách hàng được thông báo rằng họ sẽ phải chờ đến hơn 1 năm.
Điều này khiến nhiều người chán nản. Rahvi O’Hara – sống tại trung tâm California, cho biết chị đang tìm một chiếc xe đạp leo núi mới cho con trai, để thay thế cho chiếc đã mua từ trước đại dịch. Mẫu xe mà chị đã trả 300 USD đó hiện được bán với giá 500 USD, nhưng hàng tồn kho thậm chí cũng không còn. Chị tìm được một chiếc duy nhất với giá khoảng 4.000 USD.
Tình hình ở các nhà bán lẻ trực tuyến không có gì khác. Canyon Bicycles GmbH thông báo trên trang web rằng một số mẫu hiện không có sẵn. Chủ tịch chi nhánh tại Mỹ – Blair Clark, cho biết: “Chúng tôi nhận được 800-1200 chiếc xe 1 tuần và đều được ‘bán sạch’. Mọi thứ thật điên rồ.”
Thậm chí, nhu cầu còn “lan rộng” sang thị trường xe đạp cũ, khi một số người bán còn đưa ra mức giá cao hơn giá họ trả ban đầu. Các bộ phận thay thế dự trữ cũng cạn kiệt do nhiều người tìm cách sửa chữa xe cũ trong thời kỳ phong tỏa vì đại dịch. Các bộ phận quan trọng như lốp và xích đang rất khó tìm và nếu có sẵn, mức giá cũng không hề rẻ.
Các nhà sản xuất xe đạp hưởng lợi lớn trong cơn sốt này. Lợi nhuận hoạt động ròng của Giant Manufacturing Co. tăng 55% trong quý I. Trong khi đó, Shimano Inc. cho biết lợi nhuận hoạt động của bộ phận linh kiện xe đạp đã tăng 169%.
Câu hỏi lớn đối với ngành này là tình trạng nhu cầu tăng cao sẽ kéo dài trong bao lâu. Townley dự đoán, thói quen chi tiêu sẽ chuyển sang ngành dịch vụ và rời khỏi lĩnh vực hàng hóa như xe đạp, khi đại dịch được kiểm soát. Do đó, mức giá sẽ giảm vào cuối năm
Song, các giám đốc điều hành lại dự đoán nhu cầu sẽ tăng trong ít nhất vài năm tới. Clark cho biết anh đã thực hiện đơn đặt hàng cho đến năm 2033, cho rằng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng và kỳ vọng nhiều người sẽ gắn bó với bộ môn này sau đại dịch.
Tham khảo Bloomberg