IAA ở Munich, Đức, là một trong những triển lãm ô tô nổi tiếng nhất châu Âu. Và nó đang bị thống trị bởi các hãng xe điện Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của họ tại lục địa già, thách thức những “ông vua” thị trường hiện tại như BMW, Ford…
Các gian hàng ô tô điện tới từ Trung Quốc chiếm các vị trí lớn và đẹp nhất tại sự kiện này. Các cuộc họp báo và giới thiệu xe được tổ chức liên tục nhằm tạo ấn tượng với người tiêu dùng châu Âu.
Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất Trung Quốc, đã chứng kiến làn sóng ô tô điện nổi lên trong vài năm qua. Tuy nhiên, thị trường trong nước đang chậm lại do chi tiêu của người tiêu dùng yếu đi. Trong khi đó, sự hấp dẫn của thị trường châu Âu là điều không phải bàn cãi. Nó thôi thúc các công ty Trung Quốc mở rộng thị trường.
“Châu Âu là một trong những thị trường xe lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc. Nếu các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc muốn đảm bảo con đường tăng trưởng ngoài thị trường địa phương, thì rất hợp lý khi nhìn vào châu Âu”, Daniel Roeska, nhà phân tích của Bernstein Research nói với CNBC.
Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất ô tô châu Âu được cho đang tụt hậu trong nỗ lực phát triển xe điện, đúng vào thời điểm các hãng xe Trung Quốc tung ra hàng chục mẫu xe mới.
Sự gia nhập của các công ty Trung Quốc vào châu Âu được coi là mối đe dọa đối với các nhà sản xuất ô tô lớn, những người được cho là tiến quá chậm trong lĩnh vực xe điện.
Các nhà phân tích tại Bernstein cho biết trong một báo cáo hồi tháng 6 rằng nếu các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc gia nhập thị trường “như bình thường” thì các hãng xe lâu đời có thể phải nhường đến 5% thị phần vào năm 2030. Tuy nhiên, các hãng này có thể giành tới 20% thị phần nếu việc thâm nhập vào thị trường châu Âu mạnh mẽ hơn dự kiến.
Tuy nhiên, bản thân các công ty Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ chính bên trong cũng như bên ngoài thị trường trong nước. Tesla đã tạo ra một “cuộc chiến” về giá hồi đầu năm, gây áp lực lên lợi nhuận của một số công ty khởi nghiệp Trung Quốc.
Trong khi đó, để cạnh tranh và bắt kịp Tesla, BMW và Mercedes đều đã cho ra đời các nền tảng chuyên dụng cho ô tô điện để sử dụng cho các năm tới.
Một thách thức khác đối với các công ty Trung Quốc là xây dựng nhận diện thương hiệu, một công việc có thể tốn nhiều ngân sách cho việc tiếp thị cũng như thời gian để thực hiện.
“Thương hiệu là một vấn đề lớn nhưng không phải là không thể vượt qua nếu họ đầu tư lâu dài”, Peter Richardson, phó chủ tịch của Counterpoint Technology Research nói với CNBC.
Richardson cho biết các công ty Hàn Quốc như Kia và Hyundai “tương đối ít được biết đến” ở châu Âu cách đây 30 năm nhưng “đều đã trở thành những người chơi quan trọng”.
“Việc này cần thời gian và cả sự đầu tư”, Richardson khẳng định.
https://cafef.vn/lo-dien-dich-ngam-tiep-theo-cua-o-to-dien-trung-quoc-chuyen-gia-du-doan-se-nhe-nhang-chiem-20-thi-phan-tu-cac-ong-lon-tai-thi-truong-nay-188230905094834804.chn