Dịch bệnh Covid-19, lạm phát, biến động lạm phát và kinh tế.. dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến thói quen sử dụng đồ uống có ga như Coca-Cola của người tiêu dùng. Cổ phiếu của nhà sản xuất nước ngọt hàng đầu được coi là lựa chọn an toàn của nhiều nhà đầu tư.
Tháng 7/2022, Coca-Cola báo cáo lợi nhuận quý II vượt dự báo. Doanh số toàn cầu của hãng nước ngọt tăng 8% trong quý II ở cả các thị trường phát triển và mới nổi, bất chấp giá bán trung bình đã tăng khoảng 12% do lạm phát và giá nhiên liệu tăng.
Coca-Cola đã ghi nhận doanh thu 11,3 tỷ USD trong quý II/2022. Lợi nhuận ròng ở mức 1,91 tỷ USD, tương đương 44 xu Mỹ/cổ phiếu. Ông Garrett Nelson, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu đầu tư CFRA, cho rằng kết quả nói trên của Coca-Cola là phép thử với giá trị thương hiệu của công ty này, vì người tiêu dùng vẫn không muốn chuyển sang các loại nước uống tương tự khác, dù giá của Coca-Cola tăng.
Trước đó, trong quý I/2022, Coca-Cola cũng đã báo cáo doanh thu tăng 16% lên 10,5 tỷ USD. Lợi nhuận đạt 2,8 tỷ USD, tương đương 64 xu Mỹ/cổ phiếu. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN Business, Giám đốc Tài chính John Murphy của Coca-Cola cho biết “tình hình lạm phát nhìn chung sẽ tồn tại trong một thời gian. Chính xác là bao lâu thì không ai biết”.
Trong cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua, Coca-Cola đã chuyển sang tập trung vào sản xuất kích thước, dung tích lớn cho các sản phẩm của mình để thu hút người tiêu dùng – những người do đại dịch đã dành nhiều thời gian ở nhà hơn và thích mua hàng số lượng lớn tại các siêu thị. Trước đó, Coca-Cola hay Pepsi đang trong cuộc đua đẩy mạnh các sản phẩm cỡ nhỏ, đóng chai tiện lợi nhưng giá cao để mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Đại diện Coca-Cola cho biết giá nhiên liệu và lạm phát sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá hàng hóa và mức lương của người lao động. Coca-Cola có thể điều chỉnh linh hoạt giá cả, đưa vào các phân khúc cao cấp hơn, hương vị mới lạ cũng như duy trì sự ưu tiên dành cho giới trẻ.
Các nhà đầu tư hài lòng với chiến lược này. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Coca-Cola hiện đã tăng 11%, biến nó trở thành một trong những công ty hoạt động tốt hơn trong chỉ số Dow Jones vốn đã giảm 7% trong năm nay.
Các nhà giao dịch đã đổ xô tìm đến các công ty như Coca-Cola vì họ cung cấp doanh số bán hàng và thu nhập ổn định vào thời điểm địa chính trị bất ổn, lo ngại về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lạm phát.
Một ưu thế khác của Coca-Cola đó là nó nằm trong một ngành công nghiệp phòng thủ. Người tiêu dùng sẽ không ngừng uống Diet Coke hoặc nước đóng chai Dasani chỉ vì nền kinh tế có thể đang suy thoái. Các thương hiệu mạnh cho phép các công ty tăng giá để duy trì tỷ suất lợi nhuận, ngay cả trong các nền kinh tế đang phát triển chậm lại.
Coca-Cola cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở các thị trường mới nổi. Công ty này có thể tận dụng sự hiện diện của mình ở Đông Âu, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ấn Độ để dần dần giành được thị phần từ các nhà sản xuất đồ uống địa phương. Theo trang tin kiplinger, Coca-Cola có hoạt động mạnh ở nước ngoài, phần lớn doanh số mà các nhà phân tích kỳ vọng công ty sẽ đạt được được tạo ra bên ngoài Mỹ.
Coca-Cola đã giới thiệu nhiều loại sản phẩm dưới thương hiệu Coke. Một trong những sản phẩm nổi tiếng trong số này là Diet Coke. Ngoài ra còn có thể kể tới Caffeine-Free Coca-Cola, Caffeine-Free Diet Coke, Coca-Cola Cherry, Coca-Cola Zero, Coca-Cola Vanilla, và các phiên bản đặc biệt có vị chanh tây, chanh và cà phê. Từ năm 2013, các sản phẩm Coke đã được phân phối tại hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới. Dựa trên nghiên cứu về “thương hiệu toàn cầu tốt nhất” năm 2015 của Interbrand, Coca-Cola xếp thứ ba về mức độ giá trị thương hiệu và thương mại.
Coca-Cola dự kiến chia cổ tức ngày 15 tháng 9 năm 2022.