Rủi ro lạm phát lớn tới đâu?

Rủi ro lạm phát lớn tới đâu?

Rủi ro lạm phát lớn tới đâu?

Trong vòng một năm vừa qua, tình hình có vẻ yên ắng trên mặt trận lạm phát ở khu vực ASEAN so với các nơi khác trên thế giới. Tới nay tình hình đã đổi khác: Áp lực giá đã tăng lên đáng kể ở một số thị trường, đáng lưu ý là Thái Lan, Philippines và Singapore. Ở các nước khác, trong vài tháng tới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng sẽ tăng lên.

Rủi ro lạm phát lớn tới đâu?

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa có một báo cáo đánh giá tình hình lạm phát tại Việt Nam và các nước khác trong ASEAN.

Trong đó, các chuyên gia nhận định rủi ro lớn nhất đối với bình ổn giá cả trong khu vực tới thời điểm này vẫn là giá năng lượng và thực phẩm trên thế giới tăng lên. Trợ cấp và kiểm soát giá tất nhiên giúp giảm nhẹ tác động đáng kể ở Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, những động thái này lại ngày càng tốn kém, ngay cả với hai nước nêu trên nơi giá hàng hóa tăng cao góp phần tăng doanh thu tài khóa. Vì vậy, sau một thời gian, chương trình trợ cấp và kiểm soát giá sẽ cần thu gọn lại và khoanh vùng cụ thể hơn.

Các ngân hàng trung ương sẽ cần hành động quyết liệt hơn nhằm “giải nén” áp lực giá. Chắc chắn, bản chất tác động không đồng đều giữa các nước trong khu vực.

Và còn có một rủi ro là giá năng lượng và thực phẩm tăng cao “lây lan” sang chỉ số CPI cơ bản – một thách thức càng nghiêm trọng do phục hồi từ đại dịch, nhu cầu trong nước dồn nén nhiều khả năng khiến việc điều chỉnh giá trầm trọng hơn trong toàn nền kinh tế và thắt chặt thị trường việc làm. Theo ước tính của HSBC, lạm phát cơ bản của Philippines, Indonesia và Malaysia đặc biệt dễ ảnh hưởng do lạm phát năng lượng và thực phẩm tăng, Thái Lan và Việt Nam thì đỡ hơn.

Vì vậy, chính sách thắt chặt sẽ diễn ra ở nhiều nơi. Thực tế, mặc dù những khó khăn do ngoại cảnh gây ra cho xuất khẩu sản xuất đã tăng thêm – từ nhu cầu từ Trung Quốc giảm sút đến chu kỳ điện tử chậm lại – rủi ro đối với bình ổn giá cả gần đây mới tăng lên, đặc biệt do giá thực phẩm tăng, vì vậy, các chuyên gia đã điều chỉnh dự báo CPI năm 2022 cao lên đối với Thái Lan, Philippines, Singapore và Indonesia.

Trong bối cảnh Fed siết chặt chính sách thêm nhiều, HSBC cho rằng áp lực đòi hỏi các ngân hàng trung ương ở châu Á phải hành động nhanh chóng đang tăng lên. Trong tháng 6, Indonesia và Philippines điều chỉnh tăng lãi suất còn Thái Lan vẫn đang “án binh bất động”…

Lạm phát “trong tầm kiểm soát”

Khác với nhiều khu vực trên thế giới, lạm phát chưa phải vấn đề đáng lo ngại với châu Á trong vòng một năm qua, tuy nhiên, tình hình đang thay đổi khá nhanh. Ở các nước thuộc khối ASEAN, rủi ro lạm phát đã có chiều hướng tăng từ đầu năm 2022 khiến cả lạm phát cơ bản lẫn toàn phần đều tăng cao hơn so với mức trước đại dịch. Mặc dù vậy, tác động ở mỗi nước một khác, cụ thể, áp lực lạm phát với Singapore, Thái Lan và Phillipines có phần nặng nề hơn trong khi ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia thì lạm phát vẫn tương đối trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, lạm phát toàn phần nhiều khả năng sẽ sớm tăng mạnh ở nhóm thứ hai, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng tăng lên. Giá dầu thế giới dù đã “hạ nhiệt” so với đỉnh hồi tháng 3 vẫn ở mức cao, còn giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng lên từ từ.

Đây không phải một tin vui với các nước trong khối ASEAN. Xét cho cùng, ngoại trừ Malaysia và Indonesia, các nền kinh tế còn lại đều là những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng. Cả Philippines và Thái Lan đều đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, thể hiện rất rõ trong số liệu CPI gần đây của hai nước này. Giá dầu tăng khiến lạm phát toàn phần của Philippines và Thái Lan cao hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương hai nước này đặt ra. Tỷ trọng các yếu tố liên quan đến năng lượng trong rổ CPI của Malaysia và Indonesia cũng cao hơn, ví dụ như chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, mức độ tác động của năng lượng lại không đồng đều, tùy thuộc vào sự điều chỉnh giá của mỗi nước và/hoặc mức thuế áp lên nhiên liệu. Tính đến nay, Thái Lan là nước phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng mạnh nhất, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ở Việt Nam, lạm phát giá năng lượng cũng đã kéo dài được một thời gian. Giá vận tải tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần của Việt Nam. Bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng hơn.

Thực phẩm cũng “nhập cuộc”

Trong khi giá năng lượng tăng lên là động lực chính thúc đẩy lạm phát ở hầu hết các thị trường ASEAN trong vài tháng đầu năm 2022, rủi ro lớn hơn bây giờ lại xuất phát từ giá thực phẩm tăng tại các thị trường khác trên thế giới.

Điều may mắn là mặt hàng gạo – thực phẩm chính của các nước thuộc khối ASEAN – chỉ mới tăng nhẹ từ đầu năm 2022 và vẫn duy trì thấp hơn mức đỉnh của năm 2021. Đây thực sự là tin tốt cho khu vực này, đặc biệt với Indonesia, Philippines và Malaysia là những nước nhập khẩu ròng gạo lớn. Mặc dù vậy, điều này cũng không đủ bù đắp cho những tác động trên diện rộng do giá tăng ở các mặt hàng thực phẩm khác, và với việc thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI ở nhiều nền kinh tế, đặc biệt như Philippines và Việt Nam, lạm phát toàn phần chắc chắn sẽ tăng lên nữa.

Vậy tình hình tệ tới đâu? Tất cả các nền kinh tế đều trải qua tình trạng giá thực phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước, với mức lạm phát thực phẩm ở Thái Lan và Indonesia lên mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Ở Thái Lan, giá thịt cũng tiếp tục tăng, chủ yếu là do gián đoạn sản xuất thịt heo trong nước vì dịch tả heo châu Phi, đẩy giá các loạt thịt khác lên, ví dụ như thịt gà. So ra thì tình hình ở Việt Nam lại tốt hơn trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại, nhưng ngay cả ở đây cũng diễn ra tình trạng giá năng lượng tăng và giá thực phẩm thế giới cao lên có thể đẩy các chi phí trong nước lên theo.

Cũng giống như vấn đề giá năng lượng tăng, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu chính sách tài khóa nhằm giải quyết tình trạng giá thực phẩm tăng cao. Malaysia đã chi ngân sách thêm 680 triệu RM (155 triệu USD) để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, bao gồm một gói trợ cấp 40 triệu RM (9,6 triệu USD) đối với bột mì đa dụng. Ở Philippines, chính phủ của Tổng thống Duterte có kế hoạch “hạ nhiệt” giá cả bằng biện pháp hạ thuế nhập khẩu thịt và ngô. Mức thuế tối huệ quốc (Most Favoured Nation – MFN) đối với thịt heo, gà và ngô hiện ở mức 30-40% và các chuyên nhà quản lý kinh tế của Tổng thống Duterte đang tìm cách hạ mức thuế suất này xuống. Cũng giống như thành công của Đạo luật Thuế quan Gạo, hạ thuế nhập khẩu những mặt hàng chính yếu này sẽ là biện pháp nhanh chóng và hiệu quả không chỉ giúp “hạ nhiệt” giá thực phẩm mà còn trực tiếp giảm bớt gánh nặng lên ngân sách các hộ gia đình.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan

qcqc
qcqc