Sức mạnh tài chính của Nga được dự báo khó suy giảm

Sức mạnh tài chính của Nga được dự báo khó suy giảm

Chiến sự Ukraine khiến ngân sách Nga giảm nhanh, nhưng bộ đệm tài chính họ gây dựng hai thập kỷ qua được dự báo trụ vững thêm nhiều năm nữa.

Số liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy tính đến ngày 1/2, Quỹ Tài sản quốc gia Nga (NWF) có 11.922 tỷ ruble (133,5 tỷ USD), tương đương 6,6% GDP dự báo năm nay. So với đầu tháng 1, quỹ này giảm gần 43 tỷ ruble.

NWF là quỹ dự phòng của Nga, chủ yếu lấy từ doanh thu ngành năng lượng. Chính phủ Nga dùng tiền trong quỹ này để bù đắp thâm hụt ngân sách và hỗ trợ các công ty quốc doanh.

Phần tài sản thanh khoản cao của quỹ này hiện còn 55 tỷ USD, giảm hơn 50% so với tháng 2/2022 – thời điểm trước khi chiến sự tại Ukraine diễn ra. Cùng với khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối đang bị phương Tây đóng băng, số liệu trên cho thấy các lệnh trừng phạt lên Moskva và chi tiêu quân sự của Nga đang ảnh hưởng đến sức mạnh tài chính nước này. “Tôi cho rằng sẽ đến lúc Nga không còn đủ tiền”, Sofya Donets – kinh tế trưởng tại Renaissance Capital nhận định.

Năm ngoái, Bộ Tài chính Nga đã chi 3.460 tỷ ruble từ NWF để bù đắp thâm hụt ngân sách. Họ cũng rút ra 1.000 tỷ ruble từ quỹ này để chi cho việc khác. Theo kế hoạch, năm 2014 cơ quan này có thể bù đắp 1.300 tỷ ruble thâm hụt ngân sách và hỗ trợ khoảng 900 tỷ ruble cho các công ty và dự án đầu tư. Tức là, dự trữ của NWF sẽ tiếp tục giảm.

“NWF là lưới an toàn của Nga. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng quỹ này không vô tận. Nếu giá dầu không phải là 65 USD, mà là 60 USD, hàng nghìn tỷ ruble sẽ tiếp tục bị rút khỏi NWF”, Donets nói.

Yevgeny Suvorov, nhà kinh tế học tại CentroCreditBank, ước tính giá dầu năm nay giảm về 50 USD một thùng sẽ khiến dự trữ của Nga mất thêm 2.000 tỷ ruble. “Với kịch bản này, dự trữ của họ sẽ cạn kiệt vào đầu năm 2025. Nói đơn giản, Nga sẽ không có bảo hiểm nếu giá dầu thấp”, Suvorov nói.

Nhân viên cầm các tờ 1.000 ruble trong một ngân hàng ở Moskva (Nga). Ảnh: Reuters

Nhân viên cầm các tờ 1.000 ruble trong một ngân hàng ở Moskva (Nga). Ảnh: Reuters

Dù vậy, giá dầu thô Brent hiện ở mức 82 USD một thùng. Dầu Urals của Nga cũng giao dịch quanh 74 USD và chưa có dấu hiệu sẽ giảm. Bộ Tài chính Nga thậm chí dự báo bổ sung 20 tỷ USD cho NWF trong năm nay.

Ngay với kịch bản giá dầu ở mức 60 USD một thùng, Nga vẫn có bộ đệm tài chính an toàn trong nhiều năm nữa, Dmitry Polevoy – Giám đốc Đầu tư tại Astra Asset Maângement – cho biết.

NWF đầu tư vào nhiều kênh, như gửi tiền vào các ngân hàng quốc doanh, mua cổ phiếu, trái phiếu và các dự án đầu tư khác… với tổng giá trị gần 79 tỷ USD. Các tài sản này được xếp vào nhóm không có tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga cho biết họ có thể dùng các tài sản này để huy động vốn từ ngân hàng trung ương.

“Điều này không đồng nghĩa chúng tôi không thể dùng nhóm tài sản này trong ngắn và trung hạn. NWF sẽ luôn nhận được ruble từ ngân hàng trung ương, bất kể tình trạng tài sản”, Polevoy cho biết.

Tháng 12/2023, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói nước này không chuẩn bị cho kịch bản NWF về 0 và “không có xu nào trong kho dự trữ”. “Nếu số dư của NWF giảm sút, chúng tôi sẽ nghĩ cách khác để cân bằng ngân sách”, Siluanov nói, ám chỉ việc giảm chi tiêu.

Elina Ribakova – nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson – cũng cho rằng Nga khó cạn kiệt dự trữ. Từ năm 2014, Moskva đã nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách và tránh dựa vào doanh thu từ dầu mỏ.

“Họ đã làm nhiều việc để củng cố tài chính, tránh phụ thuộc vào sức ép từ phương Tây. Giá dầu 80 USD là bệ đỡ tốt cho Nga. Nếu giá về 60-70 USD, họ có thể bắt đầu cảm nhận được tác động. Nhưng chúng ta sẽ không thể nói về khủng hoảng nếu Nga vẫn bán được dầu từ 60 USD trở lên”, bà nói.

https://vnexpress.net/suc-manh-tai-chinh-cua-nga-duoc-du-bao-kho-suy-giam-4712342.html

Bài viết liên quan