Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 89 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng kim ngạch song phương giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 7 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 30,502 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).
Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc |
Kết quả tăng 1,8% không cao so với thông lệ nhiều năm gần đây, nhưng là con số tích cực trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường quan trọng của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…
Đáng chú ý, 7 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,99 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả của cả nước. Trong đó, mặt hàng sầu riêng đang chiếm đến một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc.
Ông Ðặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết: Xuất khẩu rau, quả tăng tại thị trường Trung Quốc một phần là do trong tháng 4/2023, nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng giờ hoạt động mỗi ngày để tiếp nhận xe hàng. Ðiều này cho thấy nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang rất lớn sau một thời gian dài suy giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ cho nên xuất khẩu còn cầm chừng. Tháng 4 và tháng 5/2023, nguồn cung sầu riêng bắt đầu lớn, xuất khẩu mặt hàng này có sự gia tăng mạnh mẽ và liên tục duy trì đến thời điểm này.
Ngoài ra, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tạo đà cho bước tăng trưởng của ngành hàng này. Trong tháng 4/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt, cấp mã số cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.
Chiều ngược lại, 7 tháng qua, nước ta đã nhập khẩu 58,656 tỷ USD từ Trung Quốc. Trung Quốc giữ vững vị thế là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 32,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam đều có sự góp mặt của Trung Quốc, nhất là hàng hóa chủ lực như điện thoại, máy vi tính, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, hàng tiêu dùng, hóa chất…
Dù có tiềm năng lớn, song Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm vững hệ thống quy định, tiêu chuẩn hiện hành cua Trung Quốc.
Cụ thể là các văn bản quy định pháp luật: Biện pháp Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249); Quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu nước ngoài (Lệnh 248); Luật kiểm dịch động thực vật xuất nhập cảnh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm: Tiêu chuẩn sử dụng phụ gia thực phẩm (GB 2760-2014); Tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (GB 2763-2021); Tiêu chuẩn dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm (GB 31650-2019); Tiêu chuẩn dư lượng tạp chất trong thực phẩm (GB 2761-2017)…
Các quy định về bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc cũng cần chú ý: Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Điều 28 ~ Điều 32); Thỏa thuận, Nghị định thư giữa Trung Quốc với các quốc gia xuất khẩu; Các tiêu chuẩn liên quan khác của nước nhập khẩu (Quy tắc tem nhãn đối với thực phẩm đóng gói sẵn…).
Để cạnh tranh, hàng hoá Việt Nam cần phát huy lợi thế (vị trí địa lý; giá thành sản xuất, vận tải; các sản phẩm nhiệt đới…) của Việt Nam để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu to lớn của thị trường Trung Quốc.