Một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá đồng Việt Nam (VND (HM:VND)) trong nửa cuối năm 2023, bao gồm lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Cùng với đó, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023. Tuy vậy, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại duy trì mức cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối ổn định, theo dự báo từ VNDIRECT . Mặt khác, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ, và Việt Nam hiện duy trì lãi suất thực cao.
Bên cạnh đó, CTCP Chứng khoán SSI (HM:SSI) cũng đánh giá tỷ giá dự báo sẽ biến động theo chu kỳ vào cuối năm khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao để thanh toán đơn hàng quốc tế. Tỷ giá VND sẽ biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023. Dự báo được đưa ra dựa trên 3 yếu tố:
Theo đó, lạm phát toàn cầu cao hơn dự kiến; chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá của Việt Nam. Song song đó, tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam ảnh hưởng mạnh hơn đến xuất khẩu. Trong khi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD có thể sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Trước đó, tỷ giá biến động tiếp tục theo chiều hướng tăng nhẹ trong tháng 6/2023 như tỷ giá trung tâm tăng 0,3% so với cùng kỳ tháng trước, tỷ giá tại ngân hàng thương mại tăng 0,3% so với cùng kỳ tháng trước, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 0,6% so với cùng kỳ tháng trước.
Theo Báo cáo chiến lược tháng 7/2023 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, điều này khá ngược vì giá USD giảm trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index giảm 1,3% so với tháng trước. Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô đều đang hỗ trợ tỷ giá theo chiều giảm như xuất siêu mạnh; FDI tăng trưởng trở lại; khách quốc tế hồi phục. Yuanta Việt Nam lý giải nguyên nhân tỷ giá tăng trong tháng 6 là do Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục mua USD để tăng dự trữ ngoại hối, cũng như tranh thủ bơm tiền ra hỗ trợ nền kinh tế, kích thích xuất khẩu, trong bối cảnh đang có các yếu tố tích cực hỗ trợ tỷ giá.
Theo thống kê của VNDIRECT, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bổ sung dự trữ ngoại hối khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra nền kinh tế khoảng 140.000 tỷ đồng để mua USD, qua đó hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng và góp phần hạ lãi suất trong nước.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước mua được ngoại tệ từ tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tại thời điểm sáng nay 18/7, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.714 VND/USD. Với mức này, tỷ giá trung tâm đã tăng 106 đồng so với thời điểm đầu năm (3/1), tương đương 0,45% về giá trị.
Sáng ngày 19/7 tỷ giá tăng ngày đầu tiên sau 6 ngày giảm liên tiếp trước đó. Cùng với việc tăng trở lại của tỷ giá trung tâm, hôm nay, tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại cũng đã tăng trở lại, dao động từ 23.440 – 23.490 VND/USD ở chiều mua vào và 23.790 – 23.810 VND/USD ở chiều bán ra.
https://vn.investing.com/news/forex-news/ty-gia-du-bao-bien-dong-manh-trong-nua-cuoi-nam-2023-2039843