Vì sao đồng USD tăng mạnh trở lại?

Vì sao đồng USD tăng mạnh trở lại?

Thị trường tài chính thế giới đang đối mặt với một lực lượng mà họ không ngờ tới: Đồng đô la mạnh trở lại và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đầu năm nay, giới đầu tư và chuyên gia đồng loạt dự báo đồng bạc xanh sẽ giảm giá. Nhưng giờ họ buộc phải thay đổi suy nghĩ khi nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng nóng và lạm phát dai dẳng hơn dự báo khiến Fed phải trì hoãn giảm lãi suất.

Hiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ gấp đôi so với các quốc gia G7. Điều này càng góp phần hỗ trợ cho giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu ở Mỹ, từ đó càng làm gia tăng sức hấp dẫn cho đồng USD. Và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, đồng bạc xanh lại càng hấp dẫn hơn nhờ vai trò kênh trú ẩn an toàn.

Dự báo USD sẽ tiếp tục tăng giá

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% từ đầu năm 2024, cho thấy đồng bạc xanh đang tăng giá so với các đồng tiền ở thị trường phát triển và thị trường mới nổi. Một thước đo theo dõi tâm lý trader cho thấy họ bi quan về đồng USD hồi đầu năm, nhưng giờ đã chuyển sang lạc quan nhất kể từ năm 2019, theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hợp đồng tương lai Hàng hóa (CFTC).

Giá trị hợp đồng đặt cược vào đà tăng của đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019

Nằm trong nhóm điều chỉnh chiến lược với đồng bạc xanh là tổ chức quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới Vanguard. Hiện họ dự báo đồng USD sẽ tiếp tục thể hiện sức mạnh trong thời gian tới. Còn UBS Asset Management cho biết đồng bạc xanh có lẽ vẫn còn dư địa tăng dù đã đắt đỏ hơn 20% so với mức định giá thông thường. Trong khi đó, Viện Đầu tư Wells Fargo cũng thay đổi suy nghĩ, cho rằng đồng nội tệ của Mỹ sẽ tiếp tục leo dốc đến năm 2025.

“Nếu các quốc gia khác không thể tăng trưởng bằng Mỹ và có lạm phát còn cao hơn Mỹ, nhà đầu tư chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua đồng USD”, Ales Koutny, Trưởng bộ phận lãi suất quốc tế tại Vanguard, cho biết.

Chủ tịch Fed làm thay đổi cuộc chơi

Đồng bạc xanh hồi sinh mạnh mẽ sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ không hề giảm tốc như suy nghĩ của nhiều người. Thị trường lao động vẫn rất mạnh và hoạt động sản xuất tiếp tục mở rộng. Sự dai dẳng của lạm phát đã thôi thúc Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp phải trì hoãn cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Fed New York John Williams thậm chí còn đưa ra kịch bản phải tiếp tục nâng lãi suất nếu cần thiết.

“Hồi đầu năm, tôi cũng bi quan về đồng USD, nhưng giờ thì khác rồi”, Rajeev De Mello, Trưởng bộ phận quản lý danh mục vĩ mô toàn cầu tại Gama Asset Management, cho hay. “Các nhận định của ông Powell chắc chắn đã làm thay đổi cuộc chơi”.

Chuỗi tăng giá của đồng tiền dự trữ thế giới sẽ gây thiệt hại cho quốc gia khác, nhất là các quốc gia nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và có vay nợ bằng USD.

Ấn Độ và Nigeria nằm trong nhóm các quốc gia có đồng tiền rơi xuống mức thấp kỷ lục, trong khi các quốc gia khác như Nhật Bản và Ba Lan đều có khả năng can thiệp vào tỷ giá. Các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển như Australia, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh có thể khó hạ lãi suất nếu việc mất giá tiền tệ thổi bùng lạm phát trong nước. Các quốc gia đang mang gánh nặng nợ nước ngoài, bao gồm Maldives và Bolivia, cũng như các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu hàng từ Mỹ, nằm trong nhóm bị tác động mạnh nhất.

Trong một dấu hiệu cho thấy lo lắng đang leo thang theo đà tăng của đồng bạc xanh, nhóm quốc gia G7 đều tỏ ra lo ngại về những thiệt hại tiềm ẩn từ sự biến động tiền tệ.

Lợi suất cao

Khi thị trường bớt kỳ vọng Fed sớm đảo chiều chính sách, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng vọt trở lại trong vài tuần gần đây, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đang dao động gần 5%. Đây là nguyên nhân chính tạo nên sự hấp dẫn của đồng bạc xanh. Ngoài ra, đồng USD cũng hưởng lợi từ dòng vốn chảy vào chứng khoán Mỹ giữa cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI).

“Đồng USD giờ mang lại lợi suất quá cao”, Peter Vassallo, Chuyên gia quản lý danh mục tại BNP Paribas Asset Management, chia sẻ. “Nếu bạn là người phân bổ vốn toàn cầu, chiến lược thích hợp nhất ngay lúc này là mua trái phiếu Mỹ ngắn hạn và không cần phòng hộ vị thế”.

Trái ngược với Fed, Christine Lagarde, Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB), báo hiệu sẵn sàng giảm lãi suất vào tháng 6/2024. Còn Nhật Bản chẳng thể so bì về tốc độ tăng trưởng với Mỹ, và quyết định chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm cũng không thể cản đồng Yên rơi xuống đáy 34 năm.

“Môi trường lãi suất ở Mỹ đang hấp dẫn hơn nhiều”, Ed Al-Hussainy, Chiến lược gia lãi suất toàn cầu tại Columbia Threadneedle Investments, cho hay. “Đồng USD đang mang lại lợi suất rất cao”.

Với vai trò kênh trú ẩn an toàn, đồng bạc xanh còn được hỗ trợ trong bối cảnh biến động chính trị và tài chính. Vai trò đó đã thể hiện rõ trong ngày 19/04, với việc giá USD tăng mạnh sau khi căng thẳng Israel-Iran leo thang.

“Miễn là nền kinh tế Mỹ mạnh hơn các quốc gia G7, đồng USD sẽ tiếp tục mạnh tương đối so với các đồng tiền trong nhóm này”, Barry Eichengreen, Chuyên gia kinh tế tại Đại học California ở Berkeley, cho hay. “Không phải ai cũng vui vì điều này, nhưng cũng chẳng thể làm gì được”.

Tác giả của cuốn sách “Exorbitant Privilege: The Rise and Fall of the Dollar” (tạm dịch: “Đặc quyền cắt cổ: Sự trỗi dậy và sụp đổ của đồng USD”) không cho rằng đà tăng của đồng bạc xanh sẽ dẫn đến sự đối đầu giữa cá quốc gia, nhưng nhận thấy điều này sẽ gây khó khăn cho các nước đang phát triển đang vay nợ bằng đồng đô la.

Tuy nhiên, với một số nhà quan sát, đà tăng của đồng USD có thể mang lại yếu tố tích cực cho châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. “Đồng bạc xanh mạnh hơn có thể củng cố cho đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, khi phần lớn quốc gia đều theo định hướng xuất khẩu”, Marko Papic, Chiến lược gia trưởng tại Clocktower Group, chia sẻ.

Carol Kong, Chiến lược gia tại Commonwealth Bank of Australia, cho biết: “Tôi vẫn kỳ vọng đồng USD sẽ là ‘người chiến thắng’ cuối cùng khi các phản ứng tức thời phai nhạt. Sự độc lập về năng lượng và lợi suất cao của Mỹ sẽ duy trì sự hấp dẫn của đồng đô la”.

https://vietstock.vn/2024/04/vi-sao-dong-usd-tang-manh-tro-lai-772-1181392.htm

Bài viết liên quan