Như một món quà nhân dịp Giáng Sinh, lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt nhanh hơn dự báo rất nhiều. Nếu các chuyên gia kinh tế dự báo đúng, lạm phát trở lại mức bình thường lần đầu tiên trong 3 năm.
Trong một báo cáo, các chuyên gia kinh tế Goldman Sachs, đã đưa ra dự báo về lạm phát lõi ở các nền kinh tế chứng kiến lạm phát tăng vọt thời hậu dịch bệnh, như Mỹ, châu Âu và một số thị trường mới nổi. Họ dự báo vào cuối năm 2024, lạm phát trung bình của nhóm nền kinh tế này có thể về gần hoặc bằng mức mục tiêu của các NHTW.
Lạm phát hạ nhiệt có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo hai cách khác nhau: Bằng cách thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình và cho phép các NHTW cắt giảm lãi suất.
Michael Saunders, Cố vấn cấp cao tại Oxford Economics, kỳ vọng lạm phát Eurozone chạm mức 1.3% trong quý 4/2024 và ở Anh là 2.7% và ở Mỹ là về 2.2% (tính theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân – PCE). Trong tháng 11/2023, chỉ số PCE tổng thể ở mức 2.6%. Nếu loại trừ thực phẩm và năng lượng, PCE lõi ở mức 3.2%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%.
Yếu tố nào kéo giảm lạm phát?
“Các yếu tố chung kéo giảm lạm phát là giá thực phẩm, năng lượng, giá cả hàng hóa toàn cầu và chính sách tiền tệ”, Saunders, cựu thành viên của NHTW Anh, cho hay. “Trong đó, lạm phát sẽ trở về mục tiêu của NHTW châu Âu nhanh hơn so với các khu vực khác. Điều này là thị trường lao động ở Anh và Mỹ vẫn còn mạnh và đang hạ nhiệt từ từ”.
Diễn biến trên trái ngược với làn sóng lạm phát trên toàn cầu nổi lên cách đây 2 năm. Đầu tiên, trong năm 2021, giá hàng hóa tăng vọt vì sự mất cân bằng cung cầu. Trong khi hoạt động sản xuất và vận tải bị gián đoạn, trong khi nhu cầu tăng mạnh vì các gói kích thích tài khóa lẫn tiền tệ.
Rồi sau đó, xung đột Nga-Ukraine trong năm 2022 càng đẩy giá hàng hóa lên cao hơn. Lạm phát ở Eurozone cũng tăng vọt trong giai đoạn này vì nguồn cung khí gas của Nga bị cắt đứt. Lạm phát ở khu vực này chạm đỉnh 10.6% trong tháng 10/2022.
Lực lượng lao động cũng bị tác động trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn sản xuất. Nhu cầu lao động cao sau này đã đẩy tiền lương tăng trưởng mạnh, từ đó thúc đẩy lạm phát giá dịch vụ.
Chi phí nhà ở cũng thúc đẩy lạm phát giá dịch vụ, nhưng có độ trễ. Ở Mỹ, giá tiêu dùng (CPI) tăng 3.1% trong tháng 11/2023 so với cùng kỳ. Nhưng nếu loại bỏ chi phí nhà ở (vốn chiếm 1/3 rổ hàng hóa), CPI chỉ tăng 1.4% so với cùng kỳ. Tác động của chi phí nhà ở yếu hơn nhiều ở châu Âu.
Diễn biến lạm phát ở Anh, Mỹ và châu Âu
|
Chuỗi cung ứng thông suốt đã giúp giảm lạm phát cho đến cuối năm 2022 và trong suốt năm nay, điều đó cũng có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới. Ví dụ, ở Mỹ, giá xe đã qua sử dụng – nguyên nhân chính gây ra lạm phát – vẫn còn giảm thêm vào đầu năm 2024 khi thị trường trở lại bình thường, Omair Sharif, người sáng lập Inflation Insights nhận định.
Thị trường năng lượng và hàng hóa cũng điều chỉnh theo sự gián đoạn ở Ukraine, với giá năng lượng giảm mạnh, còn giá thực phẩm ổn định hơn. Những yếu tố này có thể tiếp tục kéo giảm lạm phát trong năm 2024, Neil Dutta, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Renaissance Macro Research, chia sẻ.
“Giá năng lượng đã hạ nhiệt và điều này sẽ tác động đến giá thực phẩm, hàng hóa trong vài tháng tới”, ông cho biết.
Diễn biến lạm phát lõi ở Mỹ, Anh, châu Âu
|
Thị trường lao động ở nhiều nền kinh tế khác cũng bắt đầu tái cân bằng trong năm nay, với tiền lương tăng trưởng yếu lại và góp phần kéo giảm chi phí dịch vụ. Điều này có thể tiếp diễn trong năm 2024.
Theo WSJ, thời điểm và mức độ tác động của thị trường lao động sẽ khác nhau ở từng quốc gia. Peter Berezin, Chiến lược gia trưởng toàn cầu tại BCA Research, cho biết: “Sự tái cân bằng cung-cầu trên thị trường lao động ở Mỹ đang diễn ra rồi”.
Simon MacAdam, chuyên gia kinh tế toàn cầu cấp cao tại Capital Economics cho biết, tiến độ có thể sẽ chậm hơn ở Anh bởi nước này có tỷ lệ người tàn tật cao bất thường và khiến cho nguồn cung lao động ở nước này giảm xuống. Và mặc dù dòng người nhập cư vào Anh đang cao kỷ lục, nhưng kỹ năng của họ được cho là chưa phù hợp với các vị trí cần tuyển dụng.
Sẽ có 152 đợt cắt giảm lãi suất trên toàn cầu?
Lạm phát hạ nhiệt, cùng với dấu hiệu chững lại của các nền kinh tế lớn, đã dọn đường cho các đợt giảm lãi suất trong năm tới.
Cách đây 2 tuần, Fed báo hiệu sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. “Nền kinh tế vẫn hoạt động tốt. Các điều kiện tài chính được nới lỏng và lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện”, ông Dutta chia sẻ.
Vị chuyên gia nói thêm Trong bối cảnh này, Fed nhiều khả năng sẽ thực hiện 3 hoặc 4 lần giảm lãi suất (25 điểm cơ bản) trong năm 2024, thay vì 6 đợt như thị trường kỳ vọng.
Triển vọng hạ lãi suất đã đẩy giá trái phiếu tăng vọt và kéo giảm lợi suất trái phiếu, qua đó giảm chi phí đi vay với các công ty Mỹ. Những người đi vay ở châu Âu có thể phải chờ đợi lâu hơn. Theo MacAdam, khu vực châu Âu phụ thuộc vào các ngân hàng nhiều hơn thị trường vốn, và lãi suất cho vay của ngân hàng gắn chặt với lãi suất chuẩn của NHTW.
Ông cho hay lãi suất cho vay của ngân hàng châu Âu sẽ không giảm mạnh cho tới nửa sau năm 2024.
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, các chiến lược gia Bank of America dự báo có 152 đợt giảm lãi suất trong năm 2024, mức cao nhất kể từ năm 2009.
Douglas Porter, Chuyên gia kinh tế trưởng tại BMO Capital Markets Economics, kỳ vọng hầu hết nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2024, nhưng sẽ không rơi vào suy thoái nhờ các đợt cắt giảm lãi suất, sự hạ nhiệt của lạm phát và chuỗi cung ứng bình thường hóa.
https://vietstock.vn/2023/12/wsj-lam-phat-toan-cau-se-ve-muc-binh-thuong-trong-nam-2024-775-1136777.htm