Liên minh châu Âu (EU) vừa loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống xử lý giao dịch thanh toán toàn cầu SWIFT, biện pháp trừng phạt đối với Nga vì xung đột quân sự tại miền đông Ukraine. Động thái này sẽ tác động như thế nào tới lĩnh vực ngân hàng và giới đầu tư?
7 ngân hàng ‘dính đòn’
Mỹ, Anh, châu Âu và Canada ngày 26/2 cam kết loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, một hành động có khả năng gây thiệt hại cho Moscow cũng như các đối tác thương mại của nước này. Đến ngày 2/3, EU nêu rõ 7 cái tên: VTB – ngân hàng lớn thứ hai của Nga, Bank Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Bank Rossiya, Sovcombank và VEB. Các ngân hàng này được cho thời hạn 10 ngày để ngừng hoạt động trên SWIFT.
Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước Nga, và Gazprombank không có tên trong danh sách vì đây là các kênh chính để thanh toán tiền mua dầu và khí đốt của Nga, hai loại nhiên liệu mà EU vẫn đang mua. Tuy nhiên, hai ngân hàng này lại bị trừng phạt theo kiểu khác, một quan chức EU cho hay.
Các nhà lãnh đạo của EU ngày 25/2 đều đồng tình với những biện pháp trừng phạt Moscow mà họ cho rằng sẽ nhắm vào 70% thị trường ngân hàng Nga.
Mỹ, Anh, châu Âu và Canada ngày 26/2 cam kết loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Ảnh: Reuters. |
EU cũng áp lệnh cấm phát hành trái phiếu, cổ phiếu hoặc khoản vay ở EU để tái cấp vốn cho Alfa Bank và Bank Otkritie sau khi đóng băng các tài sản của Rossiya Bank, Promsvyazbank và VEB vào đầu tuần trước. Sberbank, VTB và Gazprombank không bị đóng băng tài sản của liên minh.
Việc tái cấp vốn tại EU đối với các doanh nghiệp nhà nước Nga cũng bị cấm, ngoại trừ một số doanh nghiệp điện nước. Các cơ quan thanh toán bù trừ ở EU sẽ không được phép phục vụ đối tác Nga, trong đó, Euroclear và Clearstream cho biết sẽ không chấp nhận các giao dịch bằng đồng ruble.
Bộ Tài chính Mỹ tuần trước cũng cho biết họ đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của hệ thống tài chính Nga và trừng phạt Sberbank và VTB. Cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ còn có Otkritie, Sovcombank và Novikombank và một số giám đốc điều hành cấp cao tại các ngân hàng quốc doanh.
Các nhà băng Mỹ phải cắt đứt quan hệ ngân hàng đại lý với Sberbank trong vòng 30 ngày. Quan hệ này cho phép các ngân hàng thực hiện thanh toán qua lại với nhau và chuyển tiền đi khắp thế giới.
Các quan chức ở Washington cũng sử dụng công cụ trừng phạt mạnh tay nhất của chính phủ, đó là đưa VTB, Otkritie, Novikombank và Sovcombank vào danh sách Đối tượng được chỉ định đặc biệt (SDN). Danh sách này đồng nghĩa các ngân hàng trên bị “đá” ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ, bị cấm giao dịch với người Mỹ và bị đóng băng tài sản ở Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng nhằm vào hai ngân hàng quốc doanh của Belarus, Belinvestbank và Bank Dabrabyt, vì nước này đã hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột quân sự với Ukraine.
Tuần trước, chính phủ Anh cho biết sẽ áp lệnh đóng băng tài sản đối với các ngân hàng lớn của Nga, bao gồm cả VTB, và cấm các công ty lớn của nước này huy động vốn ở Anh.
Điều gì xảy ra tiếp theo
Các ngân hàng lớn của Nga đã thâm nhập sâu rộng vào hệ thống tài chính toàn cầu nên lệnh trừng phạt đối với những tổ chức tín dụng lớn nhất được đưa ra cũng có phạm vi vượt biên giới Nga. Ví dụ, các chi nhánh ở châu Âu của Sberbank bị buộc phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết lệnh trừng phạt của họ sẽ làm gián đoạn giao dịch ngoại hối hàng ngày với tổng trị giá khoảng 46 tỷ USD do các tổ chức tài chính của Nga thực hiện, trong đó, 80% là bằng USD. Nói cách khác, các biện pháp trừng phạt nhằm vào gần 80% tổng số tài sản ngân hàng ở Nga.
Các ngân hàng và chủ nợ phương Tây cũng lo sợ việc Nga bị loại khỏi SWIFT, một hệ thống được hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia sử dụng.
Sau tuyên bố của EU vào ngày 2/3, cú đòn tiếp theo sẽ mở rộng phạm vi với tất cả ngân hàng Nga, bao gồm cả những tổ chức tín dụng tham gia nhiều vào các giao dịch liên quan đến năng lượng.
Tuy nhiên, hậu quả của biện pháp này rất phức tạp, đặc biệt là đối với các đối tác thương mại của Nga. Có những lo ngại về việc các khoản thanh toán cho nhập khẩu năng lượngt ừ Nga sẽ được thực hiện thế nào và liệu các chủ nợ nước ngoài có được thanh toán nợ hay không.
Giới phân tích cho rằng dù khả năng đối phó với các lệnh trừng phạt đã cải thiện hơn 8 năm trước khi Nga sáp nhập Crimea, song các tổ chức tài chính của nước này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt với quy mô chưa từng có cũng như kết hợp với những đòn giáng hiện tại.
Giá cổ phiếu của Sberbank và VTB giảm mạnh trước khi chính quyền Nga ngừng giao dịch thị trường để ngăn dòng vốn chảy ra ngoài. Chứng chỉ lưu ký của Sberbank ở London cũng giảm hơn 90% trong ngày 2/3.
Trước đó, Sberbank cho biết ngân hàng đã chuẩn bị cho mọi diễn biến có thể xảy ra. VTB tuần trước cũng tuyên bố đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Ngân hàng nước ngoài nào bị ảnh hưởng nhất
Nhiều ngân hàng nước ngoài đã giảm đáng kể quan hệ với Nga kể từ năm 2014, nhưng một số tổ chức ở phương Tây vẫn tham gia vào các thương vụ và có mối quan hệ khác với Moscow.
Các ngân hàng ở Pháp, Italy và Áo có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: Reuters. |
Giá cổ phiếu của những ngân hàng có cơ sở hoạt động lớn ở Nga, như Raiffeisen Bank International của Áo và Societe Generale của Pháp đều giảm mạnh. Một chỉ số theo dõi cổ phiếu ngân hàng châu Âu giảm 15% kể từ ngày 24/2.
Raiffeisen đang tìm cách rời Nga, nguồn tin thân cận nói với Reuters, trong khi người phát ngôn của ngân hàng này lại khẳng định họ không có kế hoạch rời đi.
Các ngân hàng của Italia và Pháp từng có khoản yêu cầu bồi thường khoảng 25 tỷ USD đối với Nga trong quý III/2021, dựa trên số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Ngoài ra, các ngân hàng của Áo có 17,5 tỷ USD và của Mỹ có 14,7 tỷ USD.
DALE BUSINESS ANALYST BASEL MARKETS