Biến động toàn cầu nhìn từ các tỷ phú dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Biến động toàn cầu nhìn từ các tỷ phú dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới

WEF Davos năm nay không có đại diện nào từ Nga, Trung Quốc, nhưng số tỷ phú từ Vùng Vịnh lại tăng vọt.

Sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm nay sẽ khai mạc trở lại tại Davos vào tháng 1 như trước. Sự kiện 4 ngày lần này có chủ đề “Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh”.

Năm nay có 116 tỷ phú đăng ký tham dự sự kiện, tăng 40% so với 10 năm trước. Tuy nhiên, thành phần tỷ phú khách mời lại thay đổi rõ rệt, phản ánh những biến động trên toàn cầu và sự chuyển dịch cán cân quyền lực do chiến sự, dịch bệnh và lạm phát tăng vọt.

Mới cách đây không lâu, các tỷ phú Nga vẫn còn là những gương mặt quen thuộc tại Davos (Thụy Sĩ). Nhưng năm nay, WEF không có sự xuất hiện của đại diện nào từ Nga. Chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến tỷ phú Nga gần như bị cô lập.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ). Ảnh: Bloomberg

Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ). Ảnh: Bloomberg

Ngoài các tỷ phú Nga, tỷ phú Trung Quốc cũng không góp mặt tại Davos lần này. Nước này vẫn đang vật lộn với số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt và thị trường chứng khoán lao dốc khiến tài sản nhóm giàu nhất giảm 224 tỷ USD năm ngoái.

Tuy nhiên, số tỷ phú từ Vùng Vịnh tăng vọt đã lấp đầy chỗ trống này. Nhờ giá dầu tăng cao và điều kiện khai thác ổn định, khu vực này đã có thêm nhiều tỷ phú thời gian qua.

Ấn Độ – quốc gia có lượng tỷ phú tham gia Davos lớn trong vài năm gần đây – có 13 đại diện. Nổi bật nhất là người giàu nhất châu Á Gautam Adani – với tài sản tăng 44 tỷ USD năm nay. Theo Bloomberg Billionaires Index, ông hiện là người giàu thứ 4 thế giới.

Như thường lệ, Mỹ là nước có số đại diện lớn nhất với 33 người, trong đó có nhiều tỷ phú không tham gia sự kiện giữa năm ngoái nhưng đã quay lại đầu năm nay. Wall Street đóng góp thành phần đông đảo, với CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon, Larry Fink của BlackRock hay Steve Schwarzman của Blackstone.

Davos năm nay chỉ có 18 tỷ phú châu Âu đăng ký tham dự, dù nhóm này ở gần nhất. Đại diện duy nhất đến từ Anh – quốc gia đang vật lộn với nguy cơ suy thoái – lại là người gốc Ấn Độ. Đó là chủ tịch hãng thép ArcelorMittal Lakshmi Mittal.

Bên cạnh đó, tổng số tỷ phú năm nay có thể còn cao hơn, nếu thị trường chứng khoán thế giới năm ngoái không biến động mạnh. Ví dụ, Gong Yingying – nhà sáng lập nền tảng dữ liệu y tế Yidu Tech – đã có tài sản cả tỷ USD sau khi làm IPO giữa đỉnh dịch năm 2021. Nhưng kể từ đó, cổ phiếu công ty này đã mất 90%.

https://vnexpress.net/bien-dong-toan-cau-nhin-tu-cac-ty-phu-du-dien-dan-kinh-te-the-gioi-4560630.html

Bài viết liên quan