Chứng khoán Mỹ chốt tuần giảm nhẹ

Chứng khoán Mỹ chốt tuần giảm nhẹ
Tag: #kinhtechinhtri,#thitruong,#tinkinhte,gallencapital

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sau phiên giao dịch giằng co, khép lại một tuần đầy biến động với chỉ số Dow Jones ghi nhận cả hai phiên giao dịch tăng điểm và giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2020.

Chỉ số S&P 500 giảm 23,53 điểm, tương đương 0,57% còn 4.123,34 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 173,3 điểm, tương đương 1,4%, xuống 12.144,66 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial Average tiếp tục giảm thêm 98,6 điểm, tương đương 0,3%, xuống 31.899,37 điểm. Phiên giao dịch ngày 6/5 khép lại một tuần giao dịch “mất mát” đối với thị trường chứng khoán Mỹ, dù tăng 3 phiên liên tiếp đầu tuần.

Thị trường giảm nhẹ sau phiên giao dịch đỏ lửa 5/5. Theo đó, chỉ số Dow Jones mất hơn 1.000 điểm, chỉ số Nasdaq giảm gần 5%. Cả hai chỉ số ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2020. Chỉ số S&P 500 giảm 3,56%, ngày giảm điểm sâu thứ hai trong năm nay.

Diễn biến trong ngày 5/5 xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực tăng điểm của thị trường sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ chính thức tăng lãi suất thêm 0,5%. Trước đó, chủ tịch Jerome Powell phủ nhận khả năng có một đợt tăng lãi suất cao hơn con số đã công bố, tạo điều kiện cho S&P 500 và Dow Jones có phiên tăng điểm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua.

“Đà tăng điểm trên thị trường chứng khoán và trái phiếu sau quyết định của Fed hôn 4/5 đã nhanh chóng ‘chết yểu’”, Emmanuel Cau, chiến lược gia tới từ Barclays, chia sẻ với khách hàng của mình. “Dù phương án tăng lãi suất thêm 0,75% ít có khả năng được tính tới, tuy nhiên Fed vẫn sẽ giữ vững mục tiêu quyết liệt siết chính sách tiền tệ của mình, theo quan điểm của tôi. Nếu như lạm phát tiếp tục gia tăng, Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài giảm tốc nền kinh tế và tiếp tục kế hoạch đã vạch ra của mình”.

107057512-1651868519137-a2-img-1390-5222

Chỉ trong một tuần, chỉ số Dow Jones ghi nhận cả hai phiên tăng và giảm điểm mạnh nhất trong vòng 2 năm. Ảnh: CNBC.

Lĩnh vực công nghệ tiếp tục là “điểm yếu” của thị trường trong phiên giao dịch 6/5. Giá cổ phiếu của Amazon giảm 1,4%, trong khi giá cổ phiếu của Microsoft và Nvidia giảm khoảng 0,9%. Giá cổ phiếu của Netflix và Crowdstrike giảm lần lượng 3,9% và 8,9%.

Cổ phiếu những lĩnh vực đầu cơ trên thị trường như công nghệ sinh học và năng lượng mặt trời cũng bị bán tháo mạnh. Giá cổ phiếu của Illumina giảm hơn 14%, Enphase Energy giảm 8,4%.

Trong nhóm công nghệ, các cổ phiếu thương mại điện tử là tâm điểm. Giá cổ phiếu của Amazon và Shopify trong tuần qua giảm lần lượt 7,7% và 11,6%.

“Diễn biến giảm trên thị trường chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ với lợi suất trái phiếu chính phủ, hiện đang trong xu hướng tăng”, theo Angelo Kourkafas, chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones. “Vấn đề đối với nhóm ngành công nghệ không chỉ nằm ở áp lực định giá trong bối cảnh lãi suất tăng cao, mà còn ở thực trạng sụt giảm nhu cầu khách hàng. Đây là một trong những xu hướng chính của mùa báo cáo lợi nhuận đầu năm nay”.

Chốt tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,24%, đánh dấu tuần thứ 6 liên tiếp chỉ số này giảm điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 0,21% và 1,54%. Đây cũng là tuần thứ 5 liên tiếp hai chỉ số trên kết thúc thấp hơn tuần trước đó.

Chỉ số Nasdaq hiện đang thấp hơn khoảng 25% so với đỉnh ghi nhận trong tháng 11/2021.

Diễn biến lợi suất trái phiếu phần nào tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã có thời điểm cán mốc 3,13%, cao nhất kể từ năm 2018.

Năng lượng là điểm sáng hiếm hoi. Giá cổ phiếu của EOG Resources tăng 7,1%. Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch 6/5, thông tin tích cực đối với các cổ phiếu năng lượng, nhưng nhà đầu tư vì thế cũng tỏ ra lo lắng về triển vọng tăng trưởng nền kinh tế và lạm phát.

Giá cổ phiếu của Under Armour giảm hơn 23% sau khi công ty này không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trong quý I năm nay. Điều này dường như đã tác động tiêu cực lên cổ phiếu của Nike, với mức giảm khoảng 3,5%, ảnh hưởng đến chỉ số Dow Jones. Ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu công ty bảo hiểm Cigna tăng gần 6%, sau công ty công bố báo cáo kinh doanh khả quan.

Thị trường chứng khoán giảm điểm dù báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ cho thấy nhiều điểm tích cực. Số lượng việc làm mới tăng thêm 428.000, cao hơn con số 400.000 trong khảo sát của Dow Jones đối với nhiều chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, tỷ lệ gia nhập thị trường lao động không có nhiều biến động, duy trì ở ngưỡng thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn trước đại dịch. Các chuyên gia kinh tế tin rằng việc chỉ số này phục hồi sẽ giúp kiểm soát xu hướng gia tăng chi phí lao động và lạm phát.

Dữ liệu tín dụng tiêu thụ của Fed ghi nhận mức tăng 52,4 tỷ USD trong tháng 3, cao hơn gấp 2 lần so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế, theo thông tin từ Dow Jones.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan

qcqc
qcqc