Khảo sát về các nhà lãnh đạo bền vững năm 2021 kiểm tra thái độ của gần 700 chuyên gia từ hơn 70 quốc gia, phản ánh những tác động của đại dịch đối với các chương trình nghị sự phát triển xã hội và môi trường bền vững.
Nghiên cứu mới từ GlobeScan và Viện SustainAbility của ERM cho thấy các chuyên gia về phát triển bền vững tin rằng đại dịch toàn cầu sẽ giúp thu hút sự chú ý đến các vấn đề môi trường – nhưng cũng sẽ làm sâu sắc thêm các thách thức kinh tế xã hội như đói nghèo và bất bình đẳng.
Cuộc khảo sát của GlobeScan / SustainAbility Leaders Survey đã theo dõi ý kiến của các chuyên gia toàn cầu về sự đi lên của chương trình phát triển bền vững kể từ năm 1997. Phiên bản thứ 25 của báo cáo này diễn ra trong bối cảnh chưa từng có của đại dịch, với gần 700 chuyên gia từ hơn 70 quốc gia đưa ý kiến về ý nghĩa đối với chương trình nghị sự phát triển bền vững.
Nhìn chung, các chuyên gia hiện đã lạc quan hơn, cho rằng đại dịch sẽ không làm rối loạn trật tự các hành động phát triển bền vững. Vào năm 2020, gần một nửa số chuyên gia phát triển bền vững (49%) đã tin vào việc giảm mức độ ưu tiên của các chương trình nghị sự về phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thập kỷ tới do virus corona. Bên cạnh đó, một phần ba các chuyên gia tin rằng sẽ có nhiều sự quan tâm hơn đến môi trường do đại dịch.
Tuy nhiên, COVID-19 được cho là đang làm trầm trọng thêm các thách thức kinh tế xã hội, với gần 40% chuyên gia tin rằng gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng sẽ là một trong những tác động có khả năng xảy ra nhất của đại dịch. Khi được yêu cầu xếp hạng các thách thức phát triển bền vững cấp bách nhất, các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cấp bách nhất; nhưng các vấn đề như tiếp cận năng lượng, an ninh lương thực, sự đa dạng và phân biệt đối xử đã gia tăng nhiều nhất về mức độ cấp bách trong năm qua.
Giám đốc điều hành GlobeScan, ông Chris Coulter cho biết: “Một lần nữa, cuộc khảo sát này của các chuyên gia bền vững và những người có ảnh hưởng trên toàn thế giới củng cố tính cấp thiết của những thách thức mang tính toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng, và mang lại hy vọng so với năm ngoái rằng tính bền vững đang được ưu tiên. Chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa, ở quy mô lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững với tốc độ lớn hơn nhiều so với chúng tôi hiện đang làm”.
Trong bối cảnh này, Unilever đứng đầu (năm thứ 11 liên tiếp); với Patagonia đứng thứ hai (năm thứ 5 liên tiếp) trong số công ty được các chuyên gia công nhận nhiều nhất về khả năng lãnh đạo bền vững – nhưng khoảng cách giữa các công ty đang thu hẹp. Natura & Co của Brazil đã vượt qua IKEA và Interface để lọt vào top ba. Các công ty lọt vào top 15 bao gồm IKEA, Interface, Danone, Microsoft, Nestlé, Tesla, Ørsted, Google, Kering, Schneider Electric, công ty giấy và bột giấy Brazil Suzano và Walmart. Các mô hình và chiến lược kinh doanh bền vững hiện được coi là động lực mạnh nhất của sự lãnh đạo.
Mark Lee, Giám đốc tại Viện SustainAbility của ERM, cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy do hậu quả của đại dịch là bộ ba thách thức xã hội, kinh tế và môi trường được kết nối với nhau. Không thách thức nào trong số này có thể được giải quyết một cách riêng lẻ, điều này đòi hỏi các tổ chức phải có các chiến lược bền vững toàn diện hơn được tích hợp vào các mô hình hoạt động và kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp hàng đầu đang chỉ đường khi chúng ta bước vào thập kỷ hành động”.
Mai Phương