Cung không kịp cầu khi kinh tế Mỹ phục hồi

Cung không kịp cầu khi kinh tế Mỹ phục hồi

Lý do khiến các công ty gặp khó trong việc nắm bắt cơ hội khi nhu cầu tăng cao đến từ tình trạng thiếu lao động, các trục trặc trong chuỗi cung ứng, cho đến sự phục hồi toàn cầu không đồng đều. Sau đây là một số lĩnh vực mà cung đang không theo kịp cầu.

Hàng ăn chật vật tuyển người

Nhiều chủ nhà hàng nói không thể thuê đủ lao động là trở ngại lớn nhất trong việc phục hồi. Một số bị giảm doanh số bán hàng vì không có đủ nhân viên trực và hoạt động muộn như mong muốn. Applebee’s, KFC và IHOP đang tổ chức các sự kiện tuyển dụng hàng loạt để cố gắng bổ sung hàng chục nghìn lao động.

Một số đang tăng lương và phúc lợi để hút thêm người. McDonald’s cho biết sẽ tăng lương cho nhân viên tại Mỹ. Chipotle Mexican Grill và Olive Garden Darden Restaurants cũng đang tăng lương trung bình theo giờ cho lao động. Các chuỗi và nhà hàng độc lập thì thưởng tiền cho nhân viên giới thiệu người khác vào làm.

Các nhà hàng và quán bar đã tạo thêm 187.000 việc làm trong tháng 4, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ. Nhưng việc làm trong lĩnh vực này vẫn thấp hơn 1,7 triệu vị trí so với mức trước đại dịch. Lao động cũng là một vấn đề đối với các nhà cung cấp và phân phối, vốn đang phải vật lộn để giao đầy đủ các đơn hàng mà không có đủ nhân công.

Cửa hàng tạp hóa áp lực về giá

Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ. Đồ họa: WSJ.

Chi phí tăng cao đang bóp chết các siêu thị. Giá các mặt hàng từ nông sản đến bơ đậu phộng đang tăng do chi phí vận chuyển và nhân công tăng. Giá ngô, dầu và các nguyên liệu thô khác cũng tăng.

Do đó, các nhà sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng khác tăng giá, khiến các nhà bán lẻ phải quyết định nên tăng giá bao nhiêu để giữ khách.Vivek Sankaran, CEO siêu thị Albertsons cho biết đang bàn luận về việc cần tăng giá bao nhiêu vì họ không thể gánh hết áp lực giá cho người tiêu dùng.

Một số người tiêu dùng đã cảm thấy áp lực giá cao hơn và tìm kiếm các lựa chọn thay thế rẻ hơn. Bộ Lao động Mỹ cho biết, giá tiêu dùng đã tăng 4,2% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là mức cao nhất trong 12 tháng kể từ mùa hè 2008.

Ôtô thiếu xe để bán

Tăng trưởng sản lượng xe mới đạt tốc độ cao nhất trong hơn một thập kỷ vào mùa xuân, nhờ lãi suất thấp, tiền kích cầu và nền kinh tế mạnh lên. Giá xe mới và đã qua sử dụng đều tăng những tháng gần đây, khi lượng hàng tồn kho rất thấp.

Các công ty ôtô đang thu được lợi nhuận từ sự phục hồi nhưng vẫn bị kìm hãm do thiếu chất bán dẫn. Một số nhà máy đã không hoạt động trong nhiều tuần. Lạnh giá bất thường ở Texas vào tháng 2 và hỏa hoạn trong tháng 3 tại một nhà máy chip Nhật Bản càng làm công suất suy giảm.

Các nhà sản xuất đang nhanh chóng điều chỉnh, ưu tiên chip cho xe bán tải và xe SUV có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Nhưng các CEO và các đại lý cho biết thiếu hụt chip sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong thời gian còn lại của năm.

Sản xuất chip không kịp nhu cầu

Ngành kinh doanh chất bán dẫn đang bùng nổ vì hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu trở nên số hóa hơn. Theo IDC, doanh thu bán dẫn toàn cầu đã tăng gần 11% vào năm ngoái, đạt 460 tỷ USD và dự kiến đạt kỷ lục 522 tỷ USD năm nay. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt và những gián đoạn khác đã làm gia tăng sự thiếu hụt một số chip. Các tác động đang rõ nét trong ngành ôtô và các hãng công nghệ như Apple và Microsoft cũng bị ảnh hưởng.

Mỹ và nhiều nước đang có kế hoạch tung ra nhiều khoản trợ cấp để phát triển năng lực sản xuất chip, nhưng tác động sẽ cần nhiều năm để hiện rõ. Trước mắt, Intel cam kết tăng sản xuất ở những loại chip đang thiếu nhất trong ngành ôtô. Broadcom thì trấn an người mua đừng lo quá mức để chia sẻ nguồn cung với người khác.

Thời trang khổ vì trả hàng cao

Covid-19 đã giúp lợi nhuận từ thương mại điện tử ngành thời trang Mỹ đã tăng 70% vào năm 2020 so với năm 2019, theo Narvar. Tuy nhiên, đi cùng với nó, thời trang là ngành bán online có tỷ lệ bị trả hàng nhiều nhất, theo Coresight Research.

Vì nhiều nhà bán lẻ Mỹ áp dụng chính sách đổi trả hàng miễn phí nên chi phí họ chịu đã tăng vọt. Theo Navjit Bhasin, CEO Newmine, cứ mỗi một triệu USD hàng hóa bị trả lại, các chuỗi đã mất đi 500.000 USD lãi thuần.

Các lãnh đạo trong ngành cho biết, tỷ lệ trả lại hàng trực tuyến đối với hàng may mặc có thể vượt quá 30%, gấp ba lần so với bán tại cửa hàng thực. Do đó, các đơn vị phải tìm nhiều cách khác nhau để giảm tỷ lệ này, từ thuyết phục người dùng cân nhắc kỹ hơn đến đầu tư vào công nghệ, với những giải pháp thử đồ ảo, hiển thị sản phẩm trên nhiều dạng cơ thể khác nhau để người mua dễ hình dung.

Tỷ lệ trả hàng trong 12 tháng, tính đến tháng 3/2021 tại Mỹ. Đồ họa: WSJ.

Sản xuất thịt gà thiếu người giết mổ

Ngành công nghiệp thịt gà trị giá 65 tỷ USD của Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động cần thiết để đáp ứng nhu cầu về cánh và ức. Ngành này vốn từ lâu đã thiếu người vì ít ai chuộng công việc đơn điệu nhiều giờ trong phòng lạnh.

Donnie King, CEO Tyson Foods Donnie King, cho biết hiện phải mất khoảng 6 ngày để hoàn thành công việc trị giá 5 ngày. Một số nhà máy của công ty vẫn thiếu người. Trong khi đó, đối thủ của họ là Pilgrim đang phải đầu tư vào việc cắt thịt tự động. CEO Pilgrim Fabio Sandri cho biết trong năm qua, công ty đã tự động hóa khoảng 1.200 công việc trong các nhà máy và có kế hoạch đầu tư thêm vào tự động hóa trong năm tới.

link gốc tại đây

vnexpress

Bài viết liên quan