Kể từ khi đạt tỷ suất sinh lời 200% vào năm ngoái, Rober Hou (65 tuổi) đã tìm kiếm thời điểm thích hợp để mua thêm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Đài Loan. Vào tháng 3/2020, vị giám đốc đã nghỉ hưu của một công ty thương mại này đã mua cổ phiếu của hãng container hàng đầu Đài Loan – Wan Hai Lines, khi mức giá giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm là 13 Đài tệ. Chỉ vài tháng sau, ông bán ra với giá 39 Đài tệ/cổ phiếu.
Hou cho biết, hiện ông nắm giữ khoảng 4.000 cổ phiếu của hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới là TSMC. Ông mua với giá 400 Đài tệ/cổ phiếu và hôm 7/5, cổ phiếu này giao dịch ở mức 599 Đài tệ. Hou nói: “Tôi nghĩ rằng khi các chỉ báo kinh tế của Đài Loan đang cho thấy xu hướng tăng trưởng, thì không khó để những người không biết nhiều về đầu tư như tôi kiếm tiền từ chứng khoán.”
Dường như, không phải chỉ mình Hou có quan điểm như vậy.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan (TSE), 67.000 người tại thành phố này đã mở tài khoản giao dịch vào năm ngoái – đây là mức cao kỷ lục. Theo đó, tổng số tài khoản chứng khoán tại Đài Loan đạt mức 11,24 triệu, có nghĩa là một nửa dân số của hòn đảo này đang đầu tư chứng khoán. Số liệu cho thấy, hơn 42% nhà đầu tư mở tài khoản vào năm ngoái đều ở độ tuổi dưới 30.
Tại các nhà hàng, quán café và thậm chí trong thang máy, giá cổ phiếu thường là chủ đề được thảo luận sôi nổi. Perry Chien – một giám đốc ngành công nghệ, cho biết: “Mỗi buổi sáng khi tôi đi thang máy đến văn phòng, hầu hết mọi người đều theo dõi bảng giá. Những người trung niên ở bàn kế bên tại nhà hàng cũng đang nói về cổ phiếu bán dẫn.”
Dòng tiền từ nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đẩy khối lượng giao dịch trên sàn TSE lên mức kỷ lục là hơn 600 tỷ Đài tệ vào ngày 22/4. Chỉ số Taiex cũng đạt đỉnh ở mức 14.572 vào ngày 26/4, khi trượt mốc 10.000 điểm hồi tháng 3/2020.
Ở đợt tăng giá này, cổ phiếu bán dẫn là động lực chính của thị trường chứng khoán Đài Loan, trong bối cảnh nhu cầu chip trên toàn cầu đang tăng mạnh. Cổ phiếu TSMC – chiếm hơn 30% tổng vốn hóa của TSE, đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nanya Technology cũng tăng 40% vào hôm 29/4 so với 1 năm trước. MediaTek – công ty thiết kế chip điện thoại lớn thứ 2 thế giới sau Qualcomm, cũng tăng hơn 185% trong cùng thời gian.
Khi nhu cầu chip đang thúc đẩy cổ phiếu công nghệ, sự thành công của Đài Loan trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng và tăng trưởng kinh tế đạt mức 2,98% trong năm 2020 đã giúp thị trường chứng khoán nhận được động lực mạnh mẽ.
Jane Wu – một bà nội trợ và nhà đầu tư lâu năm trên sàn TSE, cho hay: “Cổ phiếu của China Steel hiếm khi biến động mạnh. Tôi mua vì mã này rất ổn định. Đầu tư chứng khoán giống như gửi tiền vào ngân hàng, nhưng cổ tức lại tốt hơn so với lãi suất ngân hàng.” Tuy nhiên, giá cổ phiếu của nhà sản xuất thép Đài Loan bất ngờ tăng gấp đôi so với 1 năm trước và hiện Wu cho biết chị muốn bán ra.
Xu hướng giá cổ phiếu tăng vọt đã lan rộng khắp các ngành, từ vật liệu cơ bản như đồng và thép cho đến các công ty vận tải biển mà Hou đặt cược. Cổ phiếu của 2 công ty vận tải biển lớn nhất Đài Loan – Evergreen Marine và Yang Ming Marine Transport, đã lần lượt tăng vọt hơn 7 lần và 11,5 lần so với 1 năm trước.
Tuy nhiên, trong 3 phiên giao dịch gần đây, hàng loạt nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Đài Loan đã nhận được margin call, nỗi sợ hãi đã nhanh chóng biến thành cơn hoảng loạn. Tình trạng này càng cho thấy hậu quả khủng khiếp đối với thị trường thế giới khi tỷ lệ đòn bẩy ở mức quá cao.
Ở phiên giao dịch sáng nay, thị trường 2 nghìn tỷ USD khởi động khá yên ắng. Tuy nhiên, ngay trước khi kết thúc phiên buổi sáng, chỉ số Taiex đã giảm mạnh gần 9% và ghi nhận ngày tồi tệ nhất trong 54 năm hoạt động.
Theo Bloomberg, nguyên nhân của tình trạng bán tháo là do dịch Covid-19 đang có diễn biến tồi tệ hơn vì hầu hết người dân đều chưa tiêm vắc-xin. Ngoài ra, đà giảm sâu của cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu cũng làm suy giảm sức hấp dẫn một thị trường chứng khoán vốn bị “thống trị” bởi ngành này.
Trong nhiều tháng, nhiều nhà đầu tư cảnh báo rằng tỷ lệ đòn bẩy cao đang khiến thị trường vốn trở nên rủi ro hơn và sự sụp đổ của Archegos hồi tháng 3 chính là một tín hiệu cho điều đó. Tuy nhiên, thị trường toàn cầu vẫn tiếp tục “xanh”, khi MSCI All-Country World Index đóng cửa ở mức kỷ lục hôm thứ Sáu tuần trước. Tại Mỹ, dư nợ margin đạt mức 822 tỷ USD vào cuối tháng 3, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ở Đài Loan, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ ngày càng lớn. Trong năm nay, dư nợ margin tại thị trường này đã tăng 46%, lên khoảng 274 tỷ Đài tệ (9,8 tỷ USD) vào 2 tuần trước, mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, Taiex chỉ tăng 19% trong cùng thời gian. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư thậm chí đi vay với tốc độ còn nhanh hơn cả diễn biến giá của cổ phiếu.
Nguyên nhân đến từ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Kinh tế Đài Loan đã hưởng lợi lớn từ thương chiến Mỹ-Trung. Các nhà sản xuất chip tại hòn đảo này phát triển mạnh mẽ hơn khi Washington tìm cách cản trở nỗ lực xây dựng ngành chip trong nước của Bắc Kinh. Trong 4 năm nhiệm kỳ của Donald Trump, Taiex đã trở thành chỉ số có thành tích tốt nhất thế giới, tăng 90% (tính theo USD).
Đà tăng đã hụt hơi trong tuần này khi nỗi lo sợ về lạm phát đã “nhấn chìm” Nasdaq cùng các cổ phiếu công nghệ trên thế giới. Khi Taiex giảm 3,8% ở phiên thứ Ba, lượng dư nợ margin cũng giảm 12,6 tỷ Đài tệ – mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã nhận được hàng loạt margin call từ các nhà môi giới để thu hồi vốn.
Ở phiên hôm qua, khối lượng giao dịch hợp đồng phái sinh tại Đài Bắc tăng mạnh. Theo Bloomberg, hơn 1,6 triệu hợp đồng được giao dịch “sang tay” khi hàng chục hợp đồng quyền chọn ngắn hạn hết hạn vào ngày 12/5. Giá một hợp đồng quyền chọn bán tăng tới 7,757%, hợp đồng quyền chọn bán tăng giá mạnh nếu chỉ số cơ sở lao dốc. Do đó, khi thị trường “rơi tự do”, nhà đầu tư nhận được margin call và làn sóng sụt giảm càng diễn ra căng thẳng.
link gốc tại đây
cafef tổng hợp theo Nikkei, Bloomberg