Giá dầu rớt xuống mức thấp nhất gần 5 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Đồng USD mạnh hơn và lo ngại về nhu cầu đã khiến thị trường giảm phiên thứ tư liên tiếp trong lúc nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ về động thái cắt giảm nguồn cung tự nguyện từ OPEC+ trong tuần trước.
Hợp đồng dầu thô tương lai WTI giao tháng 1 tại Mỹ giảm 72 xu, tương ứng 0.99% xuống 72.32 USD/thùng.
Hợp đồng dầu thô tương lai Brent giao tháng 2 rớt 83 xu (tương ứng 1.06%) xuống 77.20 USD/thùng.
Phó Thủ tướng Nga, Alexander Novak, được cho là đã nói rằng OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn trong quý đầu tiên của năm 2024 để loại bỏ “đầu cơ và biến động” nếu các biện pháp cắt giảm sản lượng hiện tại không đủ.
Hôm 30/11, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga, gọi tắt là OPEC+, đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 2.2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm 2024. Nhưng ít nhất 1.3 triệu thùng/ngày trong tổng sản lượng cắt giảm lại đến từ việc gia hạn các biện pháp hạn chế tự nguyện mà Saudi Arabia và Nga đã áp dụng.
Tại Mỹ, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần so với giỏ tiền tệ sau khi số liệu mới nhất của Mỹ cho thấy cơ hội việc làm tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Thị trường lao động chậm lại và lạm phát giảm đã gia tăng niềm lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã hoàn tất việc nâng lãi suất trong chu kỳ này, và các thị trường tài chính dự đoán việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào giữa năm 2024.
Đồng USD mạnh hơn có thể làm giảm nhu cầu dầu bằng cách làm cho nhiên liệu này trở nên đắt hơn với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Trong khi đó, lãi suất thấp hơn có thể làm tăng nhu cầu dầu bằng cách khiến người tiêu dùng vay tiền để mua nhiều hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn.
Tại châu Âu, thành viên hội đồng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Isabel Schnabel nói với Reuters rằng ECB có thể loại bỏ khả năng tăng lãi suất thêm do lạm phát giảm “đáng kể”.
https://vietstock.vn/2023/12/dau-giam-4-phien-lien-tiep-xuong-day-gan-5-thang-34-1127029.htm