Giá dầu giảm vào ngày thứ Ba (20/9), sau khi các tài sản rủi ro khác giảm, do đồng USD vẫn mạnh và nhà đầu tư dự báo ngân hàng trung ương sẽ có nhiều đợt nâng lãi suất nhằm đối phó lạm phát.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày thứ Tư (21/9) để kiềm chế lạm phát. Những kỳ vọng đó đang gây áp lực lên cổ phiếu, vốn thường di chuyển song song với giá dầu. Các ngân hàng trung ương khác, bao gồm Ngân hàng trung ương Anh (BoE), cũng sẽ nhóm họp trong tuần này.
Lãi suất cao đã củng cố đồng USD, vốn vẫn dao động gần mức đỉnh 2 thập kỷ vào ngày thứ Ba, làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Chuyên gia phân tích hàng hoá Giovanni Staunovo tại UBS nhận định: “Thị trường dầu giằng co giữa lo ngại giảm và hy vọng tăng. Mối lo ngại chủ yếu từ động thái thắt chặt chính sách tiền tế quyết liệt của Mỹ và châu Âu, điều này đang làm tăng khả năng suy thoái và có thể ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 1.77 USD (tương đương 1.9%) xuống 90.23 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1.49% còn 84.45 USD/thùng.
Cả dầu Brent và dầu WTI đều đang có xu hướng ghi nhận quý giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Dầu Brent đã chạm mức 139 USD/thùng hồi tháng 3/2022, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Trung Quốc không thay đổi mức lãi suất vào ngày thứ Ba khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới cố gắng cân bằng tăng trưởng kinh tế trì trệ với đồng Nhân dân tệ (CNY) suy yếu.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ ước tính tăng 2 triệu thùng trong tuần trước. Phương tiện đi lại tại Mỹ trong tháng 7 giảm 3.3% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm thứ 2 liên tiếp.
Một tài liệu từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu cho thấy nhóm này không đạt mục tiêu sản lượng trong tháng 8 là 3.58 triệu thùng/ngày – chiếm khoảng 3.5% nhu cầu dầu toàn cầu.