Giá dầu tăng vào ngày thứ Hai (26/02) do nhu cầu dầu diesel của châu Âu, vốn bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Nga và sự gián đoạn vận chuyển thương mại, đã thúc đẩy giá dầu cao hơn trong bối cảnh thị trường lo ngại sản lượng lọc dầu của Mỹ bị hạn chế do kế hoạch bảo dưỡng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/02, hợp đồng dầu Brent tiến 91 xu (tương đương 1.11%) lên 82.53 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.09 USD (tương đương 1.43%) lên 77.58 USD/thùng.
John Kilduff, Đối tác với Again Capital LLC, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều đang theo dõi dầu diesel”.
Sự sụt giảm trong hoạt động lọc dầu tại Mỹ và sự gián đoạn thương mại toàn cầu đã thắt chặt nguồn cung dầu diesel trong những tuần gần đây, làm giảm xuất khẩu dầu diesel cao kỷ lục từ Mỹ sang châu Âu trong tháng này.
Giá dầu diesel của Mỹ đã nhanh chóng tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng với hơn 48 USD/thùng trong tháng này, làm hạn chế cơ hội kinh doanh chênh lệch giá để vận chuyển nhiên liệu sang châu Âu.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết phiến quân Houthi đã suýt đánh trúng một tàu chở dầu mang cờ Mỹ vào ngày 24/02. Một chiếc tàu khác bị phiến quân này tấn công vào tuần trước đã bị bỏ rơi và người ta thấy nhiên liệu bị rò rỉ ở Biển Đỏ.
“Khả năng gián đoạn là điều đang ám ảnh thị trường hiện nay”, ông Kilduff nói.
Theo Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures Group, trong khi giao dịch vào sáng ngày thứ Hai chủ yếu được thúc đẩy bởi những lo ngại về lạm phát kéo dài hạn chế nhu cầu, trọng tâm chú ý đã chuyển sang một vấn đề cơ bản hơn.
Ông Flynn nhận định: “Có vẻ như chúng ta đang quay trở lại vấn đề nguồn cung. Nhu cầu rất mạnh và suy cho cùng, đó là vấn đều về cung cầu”.
Các nhà máy lọc dầu dự kiến sẽ bắt đầu khôi phục sản xuất vào tháng 3 sau khi hoàn thành việc bảo dưỡng nhà máy theo kế hoạch tại các nhà máy lọc dầu của Mỹ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết công suất sử dụng nhà máy lọc dầu của Mỹ vào tuần trước đạt mức 80.6% công suất quốc gia trong 2 tuần qua.
Giá dầu đã dao động trong khoảng 70 – 90 USD/thùng kể từ tháng 11/2023, khi nguồn cung của Mỹ tăng và lo ngại về nhu cầu suy yếu của Trung Quốc đã lấn át việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ bất chấp chiến tranh đang nổ ra ở Ukraine và Gaza.
https://vietstock.vn/2024/02/dau-tang-hon-1-truoc-kha-nang-gian-doan-thuong-mai-34-1158978.htm