Dầu tăng nhờ lo ngại nguồn cung, đồng USD suy yếu

Dầu tăng nhờ lo ngại nguồn cung, đồng USD suy yếu

Giá dầu tăng hơn 1% vào ngày thứ Hai (25/7), được củng cố bởi những lo ngại về nguồn cung, đồng USD suy yếu và thị trường chứng khoán khởi sắc, tuy nhiên, giá dầu có xoá bớt đà tăng do một số lo ngại rằng lãi suất Mỹ tăng cao sẽ làm nhu cầu nhiên liệu suy yếu.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 1.9% lên 105.15 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.1% lên 96.70 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích dầu mỏ Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Đồng USD suy yếu và thị trường chứng khoán cải thiện đang hỗ trợ dầu”.

Các hợp đồng dầu tương lai đã biến động trong những tuần gần đây, bị áp lực bởi những lo ngại rằng lãi suất cao có thể hạn chế hoạt động kinh tế và do đó làm giảm tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu, tuy nhiên, dầu cũng được hỗ trợ bởi tình trạng nguồn cung khan hiếm, đặc biệt kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao về giao dịch tại BOK Financial, nhận định: “Nền kinh tế Mỹ và châu Âu đang chững lại và với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến nâng lãi suất một lần nữa trong tuần này, nhà đầu tư vẫn rất thận trọng”.

Các quan chức Fed đã chỉ ra rằng Ngân hàng trung ương Mỹ có thể nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 26-27/7.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã suýt bị suy giảm trong quý 2/2022, chỉ tăng trưởng 0.4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) cho biết mục tiêu đưa sản lượng trở lại mức 1.2 triệu thùng/ngày trong 2 tuần, từ mức 860,000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích dự báo sản lượng của Libya vẫn sẽ biến động khi căng thẳng vẫn leo thang sau các cuộc xung đột giữa phe phái chính trị đối thủ hồi cuối tuần qua.

Giá dầu cũng nhận được hỗ trợ từ kỳ vọng rằng nguồn cung dầu Nga sẽ giảm trong những tháng tới.

Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ cho phép các tập đoàn nhà nước của Nga vận chuyển dầu đến các quốc gia thứ 3 theo một bản điều chỉnh trừng phạt nhằm hạn chế rủi ro an ninh năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết vào ngày 22/7 rằng Nga sẽ không cung cấp dầu đến các quốc gia quyết định áp đặt giá trần đối với dầu của Nga.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan