Dầu thô có dễ ‘hết thời’?

Dầu thô có dễ ‘hết thời’?

Thế giới đang sử dụng nhiều dầu thô hơn bao giờ hết và nhu cầu nhiên liệu hóa thạch này có thể tăng vượt kỳ vọng trong năm nay. Các nhà lãnh đạo ngành dầu khí toàn cầu lập luận rằng, thế giới cần nguồn năng lượng ổn định, đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).  Điều này đang làm dấy lên cuộc tranh luận về thời điểm mức tiêu thụ dầu thô toàn cầu đạt đỉnh.

Tại hội nghị thượng đỉnh năng lượng thường niên CERArWeek ở Houston (Mỹ) tuần trước, giới lãnh đạo của các tập đoàn dầu khí toàn cầu nhấn mạnh vai trò của nhiên liệu hóa thạch đối với an ninh lượng. Ảnh: Energy Now

Nhu cầu dầu không ngừng tăng góp phần tạo nên thái độ ngày càng tự tin của giới lãnh đạo của các tập đoàn dầu khí lớn nhất toàn cầu tại hội nghị CERAWeek chức tại thành phố Houston (Mỹ) trong tuần trước. CERAWeek là hội nghị thượng đỉnh năng lượng thường niên do S&P Global tổ chức. Hội nghị năm nay quy tụ hơn 8.000 đại biểu, đông đảo nhất từ trước đến nay. Bất chấp sự trỗi dậy của ngành công nghiệp xe điện và năng lượng tái tạo, giới lãnh đạo ngành dầu khí vẫn kỳ vọng mức tiêu thụ dầu khí còn tăng trong nhiều năm tới.

Nên từ bỏ “ảo tưởng loại bỏ dần dầu khí”

“Chúng ta nên từ bỏ ảo tưởng loại bỏ dần dầu khí”,  Amin Nasser, CEO của Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Arabia và cũng là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nói tại hội nghị CERAWeek. Thay vào đó, ông nhấn mạnh, thế giới nên đầu tư đầy đủ vào lĩnh vực dầu khí để đáp ứng nhu cầu thực tế. Ông nói thêm rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng “rõ ràng đã thất bại”. Theo ông, những dự đoán về nhu cầu dầu và khí đốt sắp đạt đỉnh là hoàn toàn sai.

Chia sẻ tại hội nghị, Russell Hardy, CEO của Vitol, nhà kinh doanh dầu mỏ lớn nhất toàn cầu cho biết, công ty ông đã đẩy lùi dự báo thời điểm nhu cầu dầu toàn cầu đạt đỉnh đến đầu thập niên 2030. Lý do mà ông nêu ra là kỳ vọng phổ cập xe điện nhanh chóng đã giảm xuống.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu tăng thêm 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Con số này thấp hơn mức tăng 2,2 triệu thùng/ngày của năm ngoái nhưng vẫn đánh dấu mức tăng trưởng tốt theo tiêu chuẩn lịch sử. Cơ quan này cũng dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trước cuối thập niên này.

Sau khi điều chỉnh dự báo nhiều lần, IEA ước tính, nhu cầu dầu của thế giới đạt mức cao kỷ lục 103,2 triệu thùng/ngày trong năm nay. IEA giải thích, nhu cầu dầu tăng nhờ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ gần Kênh đào Suez, khiến các tàu hàng chuyển hướng di chuyển với các hành trình dài hơn, làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu.

Nhưng giới lãnh đạo trong ngành dầu khí cho rằng, IEA quá thận trọng trong cả dự báo ngắn hạn lẫn trung hạn. Hãng kinh doanh dầu mỏ Gunvor dự kiến sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Trafigura, một hãng kinh doanh dầu khác, ước tinh con số tăng sẽ là khoảng 1,5 triệu thùng/ngày nhưng cho rằng, có những rủi ro đáng kể làm tăng dự báo. “Đáng chú ý, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến, vì vậy, nhu cầu dầu đang tốt hơn mong đợi”, Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng của Trafigura nói.

Giá dầu Brent ở thị trường London tăng 11% trong năm nay, có thời điểm giao dịch ở mức hơn 87 đô la Mỹ /thùng.

Theo Vitol, chỉ riêng việc các tàu chuyển hướng khỏi khỏi Biển Đỏ đã đóng góp thêm 100.000 thùng mỗi ngày vào nhu cầu toàn cầu. Nhu cầu nhiên liệu máy bay và nhựa cũng là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhu cầu dầu.

Ấn Độ được ghi nhận là nước đóng góp lớn cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay. Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng 7% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4-2024, đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất. Theo IEA, với tư cách nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ được coi là nguồn tăng trưởng nhu cầu toàn cầu lớn nhất từ nay đến năm 2030.

“Nhu cầu dầu vẫn rất mạnh, cả ở Mỹ và các nước phát triển cũng như các thị trường mới nổi”, Helen Currie, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn dầu khí ConocoPhillips của Mỹ nhận định.

Người tiêu dùng chưa sẵn sàng trả thêm cho năng lượng sạch

Mức đỉnh nhu cầu dầu toàn cầu chưa đến sớm nếu như mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và nhu cầu ngày càng tăng về xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác chưa bị phá vỡ. Sự phổ cập của xe điện sẽ là lực cản lớn nhất đối với nhu cầu dầu trong những năm tới, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhưng nghiên cứu của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg dự báo, tăng trưởng doanh số xe điện sẽ chậm lại trong những năm tới, trong khi tổng lượng xe chạy bằng xăng và dầu diesel tiếp tục tăng.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu ngày càng tăng trong suốt quá trình chuyển đổi năng lượng này”, Sheikh Nawaf Al-Sabah, CEO của Tập đoàn dầu khí nhà nước Kuwait (KPC) nói.

Các nhà lãnh đạo ngành dầu khí cho rằng, người tiêu dùng chưa sẳn lòng trả thêm chi phí liên quan đến việc chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng gió và mặt trời. Theo họ, cơn bùng nổ xây dựng các trung tâm dữ liệu ngốn nhiều điện, dân số tăng và điện hóa sâu rộng đồng nghĩa với việc tất cả các dạng năng lượng (ngoại trừ than đá) đều cần phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu.

“Môi trường hiện nay rất tích cực đối với ngành dầu khí. 4 năm trước, mọi người đều nói đây là thời kỳ của năng lượng tái tạo và pin. Nhưng bây giờ họ nói những thứ này quá tốn kém”,  Alan Armstrong, CEO của Williams, công ty đường ống khí đốt lớn nhất Mỹ, nói với Financial Times.

Liam Mallon, người đứng đầu bộ phận kinh doanh thượng nguồn của tập đoàn dầu khí ExxonMobil (Mỹ) cho rằng, thế giới chưa đến thời điểm mà các khách hàng lớn sẵn sàng trả chi phí thêm cho năng lượng mới.

Các nhà lãnh đạo dầu khí cũng chỉ ra sự cần thiết của nguồn điện đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng vọt do sự phát triển của các trung tâm dữ liệu sử dụng để huấn luyện và và vận hành các mô hình AI.

IEA dự đoán mức tiêu thụ điện toàn cầu từ các trung tâm dữ liệu có thể vượt 1.000 terawatt giờ (TWh) vào năm 2026, cao hơn gấp đôi so với mức của năm 2022. Mức tăng này tương đương với tổng mức sử dụng năng lượng của Đức trong 4 năm.

“Năng lượng gió và mặt trời không thể đáp ứng đủ nhu cầu của các trung tâm dữ liệu. Chúng cần nguồn năng lượng ổn định, đáng tin cậy mà chỉ có thể được cung cấp bằng nhiên liệu hóa thạch”, Toby Rice, CEO của EQT, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất của Mỹ nhận định.

Quan điểm tích cực của giới lãnh đạo dầu khí toàn cầu đối với triển vọng nhu cầu dầu được đưa ra chỉ vài tháng sau khi các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28 cam kết bắt đầu “chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch” và tăng gấp ba lần sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2030.

https://vietstock.vn/2024/03/dau-tho-co-de-8216het-thoi8217-34-1168017.htm

Bài viết liên quan