Dầu vọt hơn 4% khi OPEC+ cân nhắc cắt giảm sản lượng mạnh nhất kể từ năm 2020

Dầu vọt hơn 4% khi OPEC+ cân nhắc cắt giảm sản lượng mạnh nhất kể từ năm 2020

Giá dầu vọt gần 4 USD/thùng vào ngày thứ Hai (03/10), khi OPEC+ cân nhắc cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày để trợ giá dầu, đây sẽ là mức cắt giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 3.72 USD (tương đương 4.37%) lên 88.86 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 4.14 USD (tương đương 5.2%) lên 83.63 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 6/2022, khi các biện pháp phong toả Covid-19 ở quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu, trong khi lãi suất và đồng USD tăng gây áp lực lên các thị trường tài chính toàn cầu.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, đang xem xét cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày trước cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Tư (05/10), các nguồn tin OPEC+ nói với Reuters.

Con số đó không bao gồm các khoản cắt giảm tự nguyện bổ sung của các thành viên riêng lẻ, một nguồn tin OPEC cho biết thêm.

Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao về giao dịch tại BOK Financial, cho biết: “Hầu hết nhà đầu tư đều kỳ vọng mức cắt giảm khoảng 50,000 thùng/ngày”.

Nếu được thống nhất, đây sẽ là tháng thứ 2 cắt giảm liên tiếp của nhóm này sau khi cắt giảm sản lượng 100,000 thùng/ngày trong tháng trước.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định: “Sau một năm chứng kiến giá dầu leo dốc, mức sản lượng mục tiêu không đạt và thị trường khan hiếm nghiêm trọng, OPEC+ dường như không do dự khi hành động nhanh chóng để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh triển vọng kinh tế xấu đi”.

OPEC+ đã không đạt được mức mục tiêu sản lượng gần 3 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2022, 2 nguồn tin từ nhóm này cho biết, do các lệnh trừng phạt đối với một số thành viên và mức đầu tư thấp của các thành viên khác đã cản trở khả năng tăng sản lượng của tổ chức này.

Mặc dù giá dầu Brent có thể bật tăng nhanh trong ngắn hạn, những lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu vẫn có thể kìm hãm đà tăng, công ty tư vấn FGE chia sẻ.

Chỉ số đồng USD giảm phiên thứ 4 liên tiếp vào ngày thứ Hai sau khi chạm mức cao nhất trong 2 thập kỷ. Đồng USD suy yếu có thể thúc đẩy nhu cầu dầu và hỗ trợ giá dầu.

An Trần (Theo CNBC)

Bài viết liên quan