Gallen Capital – Giá dầu đồng loạt tăng trong ngày 28/4 sau thông tin Đức ủng hộ cấm vận hoàn toàn dầu nhập khẩu từ Nga, điều có thể khiến nguồn cung dầu thô trên thị trường toàn cầu gặp khó.
Giá dầu Brent tương lai tăng 1,89% lên 107,21 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai cũng tăng 2,61 USD, tương đương 2,6% lên 104,63 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao ngay trên sàn London đang ở ngưỡng 107,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao ngay hiện ở ngưỡng 105,36 USD/thùng.
Đức vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga và đã từ chối áp đặt một lệnh cấm tuyệt đối.
Trước khi xung đột nổ ra, lượng dầu nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 1/3 nhu cầu thị trường tại Đức. Một tháng trước, bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck cho biết quốc gia này đã giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu từ Nga xuống còn khoảng 25%.
Moscow đã bắt đầu sử dụng dầu mỏ như một vũ khí nhằm trả đũa những lệnh trừng phạt của Mỹ và các quốc gia đồng minh.
Nga đã tạm dừng cung cấp khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria, và đang thúc ép Liên minh châu Âu phải tuân theo hệ thống thanh toán mới, qua đó buộc các nhà nhập khẩu phải mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank, và các khoản thanh toán phải được thực hiện bằng đồng ruble.
Sản lượng dầu mỏ của Nga có thể sẽ giảm tới 17% trong năm 2022, theo thông tin thu thập bởi Reuters, trong bối cảnh quốc gia này hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ các quốc gia phương Tây.
Tuy vậy, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng ổn định sau phiên họp ngày 5/5 tới, theo Reuters.
Đồng USD tăng cao nhất hai thập kỷ trong ngày 28/4. Đồng USD mạnh có thể khiến dầu trở thành một loại hàng hóa đắt đỏ hơn với nhiều quốc gia không sử dụng đồng USD.
Tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã cho đóng cửa một số không gian công cộng, đồng thời gia tăng xét nghiệm Covid-19 nhằm tránh rơi vào tình trạng “vỡ trận” như ở Thượng Hải. Đợt phong tỏa gần nhất đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại quốc gia này bị gián đoạn, khiến không ít người lo lắng về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Công ty lọc dầu lớn nhất châu Á Sinopec Corp, dự báo nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ phục hồi trong quý II khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm, giá hàng hóa tăng cao và xung đột leo thang tại Ukraine sẽ làm gia tăng tâm lý quan ngại nhu cầu dầu mỏ.
Kim loại quý
Giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch 28/4.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuồng 1.885,11 USD/ounce. Trong phiên, đã có lúc giá vàng tụt xuống 1.871,81 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 17/2. Giá vàng tương lai tại Mỹ cũng giảm 0,1% còn 1.886,00 USD/ounce.
“Giá vàng diễn biến theo chiều hướng tích cực trong phiên sau khi Mỹ công bố tăng trưởng âm trong quý I/2022, khiến nhiều người cho rằng Fed sẽ không thể đẩy mạnh siết chính sách như dự kiến”, theo Jim Wycoff, chuyên gia phân tích tới từ Kitco.
“Giá vàng có xu hướng giảm khi đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu cao hơn. Nền kinh tế Mỹ vẫn có những cơ sở tăng trưởng tốt, và lạm phát cần phải được kiểm soát.
Giá vàng đã giảm tổng cộng 2,7% trong tháng 4 này, và hoàn toàn có thể là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021 khi thị trường dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ đẩy mạnh siết chính sách tiền tệ, trong khi đó, đồng USD liên tục tăng giá.
DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL