Fitch cảnh báo hạ bậc tín nhiệm nợ của các nước châu Á có rủi ro lũ lụt cao

Fitch cảnh báo hạ bậc tín nhiệm nợ của các nước châu Á có rủi ro lũ lụt cao

Hãng xếp hạng tín nhiệm nợ quốc tế Fitch Ratings cảnh báo, Việt Nam, Philippines và các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ đối mặt với việc bị hạ bậc tín nhiệm nợ công nếu không nhanh chóng triển khai các biện pháp thích ứng với rủi ro lũ lụt.

Một chiếc xe ngập trong bùn ở khu vực lũ lụt dọc sông Teesta ở Rongpo, Sikkim, Ấn Độ hồi tháng 10-2023. Ảnh: AP

Trong báo cáo phát hành hôm 4-1,  Fitch cho biết, lũ lụt là một trong những loại thảm họa thiên nhiên thường xảy ra nhất. Những tác động tiêu cực từ lũ lụt có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế và làm giảm xếp hạng tín nhiệm nợ của một số nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo báo cáo, các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á đối mặt với rủi ro lũ lụt cao nhất ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó đáng lưu ý là các quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người thấp cũng như năng lực quản trị và sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng yếu hơn.

“Các nước dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro thiệt hại vật chất (do lũ lụt) với khả năng thích ứng yếu, có thể chịu áp lực bị hạ bậc mức xếp hạng tín nhiệm nợ. Điều này khiến nhiều nước ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, có nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng”, báo cáo cho biết.

Theo báo cáo, hầu hết các nước Đông Nam Á đều có nền kinh tế đảo hoặc có đường bờ biển dài, khiến khu vực ven biển của họ dễ bị ngập lụt. Mực nước biển ở Đông Nam Á đã tăng trong nhiều thập niên. Do đó, các nước có nền địa chất thấp thấp trong khu vực thường dễ xảy ra lũ lụt ở vùng ven biển và khiến hệ sinh thái được xây dựng ở đây gặp nguy hiểm.

Theo báo cáo về khí hậu và phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), trong giai đoạn 1951-2015, mực nước biển tại một số khu vực ở Philippines tăng từ 5-7mm mỗi năm. Con số này cao gấp đôi mức tăng trung bình toàn cầu trong cùng giai đoạn.

Trích dẫn dữ liệu từ Chỉ số quản lý rủi ro, do Ủy ban Thường trực liên cơ quan của Liên hợp quốc và Ủy ban châu Âu xây dựng, Fitch cho biết, Việt Nam có nguy cơ lũ lụt cao nhất ở Đông Nam Á.

Ngoài việc dễ bị lũ lụt ven biển, Việt Nam cũng dễ bị lũ lụt trên sông do có nhiều hệ thống sông chảy khắp đất nước. Cả TPHCM và Hà Nội đều nằm gần các vùng đồng bằng sông có nguy cơ lũ lụt cao là sông Mê Kông và sông Hồng.

Đối với Philippines, đây một trong những nước hứng chịu nhiều rủi ro nhất từ các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á.

Theo cơ sở dữ liệu của Chỉ số quản lý rủi ro, ở Nam Á, Bangladesh là nước dễ bị lũ lụt nhất. Nguyên nhân có thể là do nước này có các con sông lớn và độ cao trung bình chỉ hơn vài mét so với mực nước biển.

Fitch dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở hầu hết các nước Nam Á và Đông Nam Á, quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng sẽ khiến người dân của họ dễ tổn thương trước rủi ro lũ lụt có thể sẽ tăng lên.

Hơn hết, vùng đệm tài chính hạn chế hơn ở hầu hết các nền kinh tế ở khu vực này. Bởi lẽ nợ chính phủ của các nước này cao hơn mức trung bình của nhóm các nước đang phát triển. Điều này cùng với việc nguồn thu yếu, có thể dẫn đến xếp hạng tín dụng tiêu cực khi rủi ro khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn.

Thêm vào đó, chi tiêu bổ sung của chính phủ các nước này cho việc di dời và xây dựng lại sau lũ lụt có thể làm tăng thêm thâm hụt tài chính và nợ công.

Cả hai yếu tố này (thâm hụt tài chính trên GDP và tỷ lệ nợ công trên GDP), đều được đưa vào mô hình xếp hạng tín nhiệm nợ quốc gia của Fitch.

Fitch cho rằng, tài trợ quốc tế cho mục đích thích ứng và chuyển đổi xanh có thể giúp lấp đầy khoảng trống tài chính cho một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, cơ quan xếp hạng tín nhiệm nợ này lưu ý, đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu tài trợ.

Việt Nam đã nhận được tài trợ khoảng 146 triệu đô la Mỹ cho các dự án thích ứng thông qua Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc. Đây quỹ khí hậu lớn nhất thế giới được thành lập theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2010. Quỹ này hỗ trợ các nước đang phát triển đạt mục tiêu hướng tới giảm lượng khí thải nhà kính và xây dựng hệ thống quản lý có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu hơn.

Philippines đã nhận được 137,7 triệu đô la tài trợ từ Quỹ Khí hậu xanh, trong khi Indonesia nhận được 496,7 triệu đô la và con số này của Bangladesh 441,2 triệu đô la.

https://vietstock.vn/2024/01/fitch-canh-bao-ha-bac-tin-nhiem-no-cua-cac-nuoc-chau-a-co-rui-ro-lu-lut-cao-772-1144002.htm

Bài viết liên quan