- Giá dầu Brent và WTI cao nhất trong gần 3 năm, giá dầu Nga đạt kỷ lục
- Kết quả cuộc họp Fed khiến giới đầu tư lo sợ, chứng khoán Mỹ tụt điểm
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II-2021 ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Theo Tổng Cục thống kê, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao.
Cụ thể trong quý II, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất với 10,28%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; dịch vụ tăng 4,3%…
Tính chung 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước, do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định với các sản phẩm chủ đạo đều tăng.
Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021; ngành lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%, cao hơn mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020.
Ngành công nghiệp nửa đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này tuy thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019, nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%. Ngành xây dựng tăng 5,59%, cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020…
GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, là mức tăng khá so với các nước trong khu vực. Nguồn: TCTK
Còn đối với ngành dịch vụ – du lịch, các nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách cũng như đại lý du lịch gặp nhiều khó khăn, do giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển tại nhiều địa phương để phòng chống dịch Covid-19. Một loạt lĩnh vực giảm sâu là ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm sâu đến 5,02%…
Đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ là bán buôn và bán lẻ, với mức tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%.
Tổng cục Thống kê nhận định xương sống của nền kinh tế 6 tháng qua vẫn là khu vực sản xuất: nông, lâm nghiệp và thủy sản, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho quốc nội trong tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cải thiện rõ rệt nhằm phát triển hạ tầng, tạo bước đệm để Việt Nam bứt phá sau đại dịch. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao.
“Dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Sang quý III, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt, bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng khó lường”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Do đó, trước mắt, cần kiểm soát tốt dịch Covid-19, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19, song song nghiên cứu để chủ động được nguồn vaccine trong dài hạn. Đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả.
Mai Phương (Theo TCTK – SGGP)