Giá dầu sẽ còn tăng đến đâu?

Giá dầu sẽ còn tăng đến đâu?
Tag: #kinhtechinhtri,#thitruong,#tinkinhte,baselmarkets,oil

Giá dầu đang tăng với tốc độ nhanh như tên lửa trong chuỗi tăng giá kéo dài 8 tuần liên tiếp. Nguồn cung dầu đang rất khan hiếm và có nguy cơ bị gián đoạn nếu xảy ra xung đột Nga – Ukraina.

Dầu Brent hôm thứ Sáu (11/2) có lúc vọt lên 95 USD/thùng, kết thúc phiên vẫn cao hơn 3,3% so với phiên liền trước, đạt 94,44 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cùng phiên tăng 3,22 USD lên 93,10 USD/thùng.

Toril Bosoni, người đứng đầu bộ phận thị trường dầu của IEA, trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg Television hôm thứ Sáu cho biết: “Giá tiếp tục tăng và hiện đang đạt đến mức gây khó chịu cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.”

Thị trường dầu mỏ đang loay hoay với bài toán cung – cầu khi nhu cầu tăng mạnh do kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch Covid-19 thì sản xuất chật vật không đáp ứng đủ nhu cầu vì đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch những năm gần đây chỉ ở mức cầm chừng. Trong bối cảnh đó, tình hình Nga – Ukraina nóng lên khiến cho thị trường dầu mỏ càng thêm sôi sục.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng vừa cảnh báo rằng Mỹ cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể ra lệnh cho một cuộc xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào. Cảnh báo về hành động quân sự của một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới làm gia tăng khả năng gây gián đoạn nguồn cung hơn nữa vì sản lượng dầu đang đi sau nhu cầu và dữ trữ xăng dầu trên thế giới đang giảm nhanh.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, ngay cả khi không có chiến tranh, các vấn đề về cung ứng của các quốc gia xuất khẩu dầu có nguy cơ làm gia tăng tình trạng thắt chặt nguồn cung và những biến động trên thị trường năng lượng, đẩy giá tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2024, trước khi xảy ra ‘cuộc chiến’ giá dầu giữa OPEC với các nhà khai thác của Mỹ nhằm giành lại thị phần từ các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.

Giá dầu sẽ còn tăng đến đâu? - Ảnh 1.
Giá dầu đạt ‘đỉnh’ 8 năm.

8 năm sau sự kiện đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, trong đó có Nga (gọi là OPEC+) đang chật vật để thực hiện các cam kết về sản lượng.

OPEC và các đồng minh thị trường đã và đang tăng sản lượng của mình ở mức vừa phải nhưng đều đặn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và giảm bớt dầu ở các kho dự trữ – đã tăng rất cao trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19. Liên minh này đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các nước tiêu thụ dầu trong việc tăng cường nỗ lực thúc đẩy nguồn cung, vì nhu cầu đã mạnh hơn dự kiến ​​và một số thành viên của liên minh không thể đạt được mục tiêu về sản lượng do những năm qua không đầu tư đầy đủ vào sản xuất dầu.

IEA trong báo cáo mới nhất cho biết có những dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt đang gia tăng, gây thêm căng thẳng cho một thị trường vốn đã căng thẳng.

Nguồn cung của OPEC+ trong tháng 1/2022 đã thấp hơn 900.000 thùng/ngày so với mục tiêu, sau khi cũng thấp hơn 790.000 thùng/ngày trong tháng 12/2021. IEA cho biết 300 triệu thùng dầu đã bị lấy khỏi thị trường kể từ đầu năm 2021.

Theo IEA, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng thêm 6,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022 nếu dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế về nguồn cung đã áp dụng trong giai đoạn đại dịch. Nguồn cung dầu trên toàn cầu đã tăng 560.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022 lên 98,7 triệu thùng, trong đó các nhà sản xuất dầu bên ngoài OPEC+ đóng góp phần lớn.

Nguồn cung không đạt kỳ vọng trong khi nhu cầu mạnh mẽ đã khiến dự trữ dầu toàn cầu ngày càng cạn kiệt. IEA cho biết tồn kho dầu ở các quốc gia giàu có hơn thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm 60 triệu thùng trong tháng 12/2021 xuống 2,68 tỷ thùng, mức thấp nhất trong 7 năm qua. Dữ liệu sơ bộ cho thấy các kho dự trữ đã giảm thêm 13,5 triệu thùng trong tháng 1/2022.

Cũng theo IEA, nhu cầu dầu trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 3,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 100.000 thùng/ngày so với dự kiến cách đây một tháng. Về năm 2021, IEA ước tính nhu cầu dầu tăng 5,6 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trong báo cáo tháng trước.

Cũng theo IEA: “Việc OPEC + hoạt động kém hiệu quả và không đạt các mục tiêu về sản lượng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng đã đẩy giá dầu tăng nhanh”, và “Nếu khoảng cách dai dẳng giữa sản lượng OPEC + và các mức mục tiêu tiếp theo thì nguồn cung sẽ còn căng thẳng hơn nữa, kéo theo gia tăng khả năng biến động mạnh hơn, gây áp lực hơn nữa lên giá xăng dầu”.

Ed Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của Oanda cho khu vực châu Mỹ, cho biết: “Thị trường dầu đang chờ đợi một chất xúc tác để tiến lên trên 100 USD, và có vẻ như tình hình Ukraine trở nên tồi tệ hơn chính là chất xúc tác này”.

Theo ông Moya: “Nếu hoạt động chuyển quân của Nga được xác nhận trong tuần tới, nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu thô có thể khiến giá tăng thêm 10%”. Nhiều người dự đoán giá dầu sẽ sớm đạt mức 100 USD/thùng, thậm chí một số người tin rằng giá sẽ lên tới 120 USD/thùng vào giữa năm nay.

DALE BUSINESS ANALYTICS BASEL MARKETS

Bài viết liên quan