Giá dầu vẫn tăng dù OPEC+ quyết định nâng sản lượng nhanh hơn
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sản xuất dầu đã đồng ý vào ngày thứ Năm (02/6) sẽ tăng sản lượng nhiều hơn so với dự kiến trong tháng 7 và tháng 8 khi cuộc xung đột Nga – Ukraine đang ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường năng lượng toàn cầu.
OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 648,000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, hướng đến việc kết thúc chương trình cắt giảm sản lượng lịch sử mà OPEC+ đã thực hiện trong thời gian đại dịch Covid-19.
Nhóm này đã dần đưa lại vào thị trường gần 10 triệu thùng/ngày mà họ đã rút khỏi thị trường vào tháng 4/2020. Trong những tháng gần đâ, sản lượng đã tăng 400,000 – 432,000 thùng/ngày mỗi tháng.
Giá dầu đã khởi sắc, đảo chiều từ mức giảm đầu phiên và tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của phiên. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu WTI tiến 1.4% lên 116.87 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 1.14% lên 117.61 USD/thùng.
Quyết định này được đưa ra khi thế giới đang đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao. Chính phủ các nước, bao gồm chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã kêu gọi các nhà sản xuất gia tăng sản lượng trong một nỗ lực giảm bớt đà leo dốc giá dầu.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính phủ Mỹ rất hoan nghênh thông báo của OPEC+.
Trong khi về lý thuyết, sản lượng sẽ tăng trong tương lai, OPEC+ gặp khó khăn trong việc đáp ứng hạn ngạch sản lượng. Hơn nữa, sản lượng bổ sung dự kiến tung ra thị trường sẽ không bù đắp được cho khả năng mất hơn 1 triệu thùng/ngày từ Nga khi các quốc gia trên thế giới gia tăng trừng phạt Nga sau cuộc xung đột với Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày thứ Hai (30/5) đã thống nhất cấm vận 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay, đây là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga kể từ cuộc xung đột hồi cuối tháng 02/2022.
Vào tháng 3, giá dầu thô đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008, và ổn định trên mốc 100 USD/thùng. Đà leo dốc của giá dầu là nguyên nhân chính góp phần khiến lạm phát cao trong nhiều thập kỷ ở các nền kinh tế. Vào ngày thứ Năm, trung bình một gallon xăng thông thường ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục 4.71 USD.
Giá dầu đã giảm vào đầu phiên sau khi một báo cáo từ Financial Times cho biết Ả-rập Xê-út nhận thức rủi ro thiếu hụt nguồn cung và rằng “không có lợi cho họ nếu mất kiểm soát giá dầu”.
Các nguồn tin nói với Financial Times rằng Ả-rập Xê-út, nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, vẫn chưa thấy sự thiếu hụt thực sự trên thị trường dầu.
Tuy nhiên, tình huống có thể thay đổi khi các nền kinh tế trên toàn cầu mở cửa trở lại trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, thúc đẩy nhu cầu dầu thô nhiều hơn. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch khi số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày đã giảm.
DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL