Giá khí đốt tại châu Âu bật tăng sau khi Nga nói ngừng cấp cho Ba Lan và Bulgari

Giá khí đốt tại châu Âu bật tăng sau khi Nga nói ngừng cấp cho Ba Lan và Bulgari
Tag: #kinhtechinhtri,#thitruong,#tinkinhte,gallencapital,oil

Giá khí đốt tại châu Âu ngày 27/4 tăng 5,5% so với ngày trước đó, lên 108,6 euro/mwh (115 USD/mwh), cao nhất 3 tuần.

Giá mặt hàng này tăng sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 27/4 thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgari vì hai quốc gia này không thanh toán giao dịch khí đốt bằng đồng ruble như yêu cầu của Moscow. Động thái của điện Kremlin lần này được cho là cứng rắn trước các lệnh trừng phạt mà châu Âu áp đặt vào Nga vì hành động quân sự tại Ukraine.

Ba Lan và Bulgari là những quốc gia đầu tiên bị Nga ngừng cung cấp khí đốt từ khi cuộc chiến tại Ukraine xảy ra ngày 24/2. Moscow cung cấp lần lượt 50% và 90% khí đốt cho Ba Lan và Bulgari.

Giá khí đốt tại Anh cũng tăng 0,9% lên 165 xu Anh/therm (2,1 USD/therm).

Giá than tương lai tại Newcastle (Australia), mặt hàng khác trong nhóm năng lượng, ngày 26/4 là 325 USD/tấn, giảm 1,1% so với ngày trước đó. Giá nhiên liệu này hạ nhiệt so với mức đỉnh hồi đầu tháng 3 nhưng vẫn cao hơn đầu năm 103%.

Giá than vẫn ở mức cao vì nhu cầu lớn và nguồn cung hạn hẹp. Thị trường than đang chịu tác động lớn từ cuộc chiến tại Ukraine. Các lệnh trừng phạt kinh tế vào Nga khiến thị trường năng lượng toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Nhiều khách hàng nhanh chóng tìm nguồn than thay thế từ Nga vì Moscow vốn là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu lớn trên thế giới. Các quốc gia tiêu thụ nhiều than đang tìm nguồn cung từ Australia và Nam Phi.

Trước đó, nguồn cung vốn đã thắt chặt vì khủng hoảng khí đốt tại châu Âu khiến việc sử dụng than trong sản xuất điện nhiều hơn. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấm nhập than từ Moscow từ tháng 8 nên nguồn cung thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Trong một diễn biến mới, Trung Quốc cho biết sẽ sản xuất thêm 300 triệu tấn than vào năm nay nhưng lịch trình cụ thể chưa được tiết lộ. Hiện tại, nhập khẩu than của nước này thấp hơn năm ngoái khoảng 24% vì sản lượng trong nước tăng và việc kiểm soát giá gây bất lợi cho các nhà bán hàng ở Indonesia, Nga.

Citigroup đánh giá việc Bắc Kinh sẵn sàng từ bỏ dần nguồn cung thế giới là “người thay đổi cuộc chơi” và động thái của Trung Quốc có thể khiến giá than toàn cầu có xu hướng đi xuống trong những năm tới.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan