Bitcoin và Blockchain
Bitcoin và blockchain của nó về cơ bản là một tập hợp tất cả các máy tính hoặc các nút (nodes) trên khắp thế giới có download mã của Bitcoin. Mỗi máy tính này có khả năng lưu trữ tất cả các chuỗi khối (blockchain) của Bitcoin. Điều này có nghĩa chúng lưu trữ toàn bộ lịch sử giao dịch Bitcoin, đảm bảo rằng không ai có thể đánh lừa cả hệ thống vì nếu điều đó xảy ra, các máy tính sẽ từ chối giao dịch. Theo cách này, Bitcoin hoàn toàn minh bạch và tất cả các giao dịch đều công khai. Ngay cả những người không nằm trong mạng lưới cũng có thể xem các giao dịch diễn ra trực tiếp thông qua block explorers.
Nhiều máy tính hoặc nút được thêm vào chuỗi khối sẽ làm tăng tính ổn định và sức mạnh của chuỗi khối đó. Hiện nay đã có hơn 10,000 nút chạy mã Bitcoin. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào mạng của Bitcoin dưới vai trò là một nút (miễn là máy tính có đủ dung lượng để tải xuống toàn bộ blockchain và lịch sử giao dịch của nó), nhưng không phải ai cũng là thợ đào coin.
Khai thác Bitcoin
Khai thác bitcoin (hay đào bitcoin) là quá trình mọi người sử dụng máy tính của mình để tham gia vào quá trình xử lý giao dịch trên blockchain của Bitcoin. Bitcoin sử dụng một hệ thống thuật toán đồng thuận mang tên Proof of Work (PoW), yêu cầu các “thợ mỏ” phải chứng minh rằng họ đã nỗ lực xử lý các giao dịch để được khen thưởng. Nỗ lực này bao gồm thời gian và năng lượng cần thiết để chạy phần cứng máy tính nhằm giải các phương trình phức tạp.
Các máy tính tốc độ nhanh hơn sẽ đem về phần thưởng lớn hơn, trên thực tế một số công ty đã thiết kế chip máy tính dành riêng cho hoạt động đặc thù này. Những cỗ máy hiệu suất cao này được giao nhiệm vụ xử lý các giao dịch Bitcoin và được thưởng khi làm như vậy.
Trong quá trình khai thác bitcoin, các “thợ mỏ” sẽ phải giải các bài toán và xác nhận tính hợp pháp của giao dịch. Sau khi hoàn thành, họ thêm các giao dịch vào cuối một khối và tạo chuỗi cho các khối giao dịch này, hình thành nên chuỗi khối (Blockchain). Khi một khối được hoàn thành bằng việc lấp đầy các giao dịch, những người thợ đào sẽ được nhận về phần thưởng là Bitcoin. Giao dịch có giá trị lớn hơn đòi hỏi nhiều xác nhận hơn để đảm bảo tính an ninh. Sở dĩ gọi quá trình này là khai thác (đào) là vì việc giải bài toán để lấy được Bitcoin cũng giống như đào và lấy vàng lên từ lòng đất vậy.
Bitcoin Halving là gì
Cứ 210,000 khối được khai thác (hoặc cứ sau bốn năm), phần thưởng được trao cho những người khai thác Bitcoin để xử lý các giao dịch sẽ bị giảm đi một nửa. Điều này làm giảm một nửa tốc độ mà các đồng Bitcoin mới được đưa vào lưu thông, cho tới khi toàn bộ 21 triệu Bitcoin được đào lên.
Hệ thống này sẽ tiếp tục cho đến khoảng năm 2140. Tới lúc đó, những người khai thác sẽ được thưởng phí để xử lý các giao dịch mà người thực hiện giao dịch trả. Các khoản phí này đảm bảo rằng các công ty khai thác vẫn có động lực để khai thác và duy trì mạng lưới. Mục đích là để tạo sự cạnh tranh nhằm duy trì phí ở mức thấp sau khi halving kết thúc.
Halving cũng có ý nghĩa quan trọng đối với nguồn cung hữu hạn và đang cạn dần của Bitcoin. Chỉ có duy nhất 21 triệu Bitcoin tồn tại trên toàn thế giới, và hiện nay đã có 18,361,438 Bitcoin được lưu hành. Như vậy chỉ còn lại 2,638,562 là phần thưởng cho các thợ mỏ và đang chờ khai thác.
Năm 2009, phần thưởng cho mỗi khối được khai thác là 50 Bitcoin, sau lần halving đầu tiên bị giảm xuống còn 25, rồi 12,5 và đến ngày 11/5 sắp tới sẽ là 6.25 Bitcoin cho mỗi khối. Hãy tưởng tượng lượng vàng khai thác trên trái đất bị cắt trong một nửa cứ sau bốn năm. Nếu giá trị của vàng dựa trên sự khan hiếm của nó, thì “một nửa” sản lượng vàng cứ sau bốn năm về mặt lý thuyết sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn.
Việc chia đôi số phần thưởng sẽ làm giảm tốc độ tạo ra các đồng coin mới, do đó làm giảm nguồn cung. Điều này có thể tác động lên giá vì các tài sản khác có nguồn cung khan hiếm (như vàng) sẽ tạo ra nhu cầu cao và đẩy giá cao hơn.
Trong quá khứ, sự kiện halving có tương quan với sự tăng giá mạnh của Bitcoin. Lần Halving đầu tiên diễn ra vào tháng 11/2012, Bitcoin đã tăng từ $11 lên gần $1,150. Lần thứ hai diễn ra vào tháng 7/2016, Bitcoin tại thời điểm đó chỉ có giá $650 nhưng tới ngày 16/12/2017, đã tăng vọt lên gần $20,000, nhưng sau đó đã giảm trong suốt một năm xuống mốc $3,200.
Tác động của Halving có thể được diễn giải như sau
Giảm một nửa phần thưởng (Halving) → giảm một nửa lạm phát → giảm nguồn cung khả dụng → tăng nhu cầu → tăng giá → giá trị phần thưởng cho thợ đào vẫn giữ nguyên cho dù số lượng phần thưởng giảm đi, vì giá trị của Bitcoin được tăng lên trong suốt quá trình.
Trong trường hợp halving không làm tăng nhu cầu và giá Bitcoin, các công ty khai thác sẽ không có động lực làm tiếp vì phần thưởng cho việc hoàn thành các giao dịch nhỏ hơn và giá trị của Bitcoin không đủ lớn. Để ngăn chặn điều này, Bitcoin sẽ thay đổi độ khó cần thiết của các thuật toán trong quá trình khai thác. Nếu phần thưởng đã bị giảm một nửa và giá trị của Bitcoin không tăng lên, độ khó của thuật toán sẽ giảm xuống để giữ chân các thợ mỏ.
Lịch sử sau hai lần Halving cho thấy: giá thường tăng cao và theo sau là một cú sập mạnh. Nhưng ngay sau đó giá sẽ lại tăng tiếp, thậm chí tăng cao hơn. Như đã đề cập ở trên, bong bóng năm 2018 chứng kiến Bitcoin tăng lên khoảng $20,000, và sau đó giảm mạnh 3,200 đô la. Đây là một sự sụt giảm lớn nhưng vẫn cao hơn mốc $650 của lần Halving năm 2016.
Mặc dù hiện nay Halving vẫn được duy trì, sự kiện này thường gắn liền với mục đích đầu cơ, cường điệu hoá thông tin, dẫn tới biến động giá lớn. Và quan trọng hơn cả, chúng ta không thể đoán trước thị trường sẽ phản ứng như thế nào với những lần Halving tiếp theo.