Các khoản đầu tư khổng lồ của Mỹ cùng khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã giúp nước này bán được lượng lớn khí hóa lỏng năm 2022.
Năm ngoái, Mỹ và Qatar cùng xuất khẩu 81,2 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), theo dữ liệu theo dõi tàu biển mà Bloomberg có được. Dù con số này chỉ là mức tăng khiêm tốn với Qatar, nó lại là bước nhảy vọt của Mỹ. Họ chỉ mới xuất khẩu LNG năm 2016 và gần đây trở thành tên tuổi lớn trong ngành này.
Cuộc cách mạng khí đá phiến, cùng hàng tỷ USD đầu tư vào các cơ sở hóa lỏng đã biến Mỹ từ nước nhập khẩu ròng LNG thành nhà cung cấp lớn với sản phẩm này. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu và việc các nước chuyển hướng mua khí đốt từ Nga đã làm tăng nhu cầu khí hóa lỏng Mỹ. Việc này cũng sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng một số dự án xuất khẩu mới tại Mỹ.
Mỹ có thể còn xuất khẩu được nhiều LNG hơn trong năm ngoái, nếu không có vụ cháy cảng xuất khẩu Freeport tại Texas. Việc này khiến cảng phải đóng cửa từ tháng 6 và dự kiến hoạt động lại trong tháng này. Freeport sẽ càng củng cố vị trí xuất khẩu LNG số một thế giới của Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ cần xây thêm nhiều cơ sở xuất khẩu LNG nữa nếu muốn giữ vị trí này đến cuối thập kỷ. Qatar đang ráo riết mở rộng sản xuất, có thể giúp họ giữ việc dẫn đầu thế giới đến năm 2026. Australia cũng đang trên đà trở thành nước cung cấp LNG lớn thứ 3 thế giới.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng vượt Trung Quốc thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới năm 2022, theo số liệu theo dõi tàu biển. Các lệnh phong tỏa chống dịch của Trung Quốc khiến nhu cầu LNG tại đây lao dốc. Trong khi đó, Nhật Bản phải tích trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông.
https://vnexpress.net/my-thanh-nuoc-xuat-khau-khi-hoa-long-lon-nhat-the-gioi-4555712.html