Nhà đầu tư hồi hộp ngóng số liệu lạm phát, chứng khoán Mỹ trượt dốc cuối phiên

Nhà đầu tư hồi hộp ngóng số liệu lạm phát, chứng khoán Mỹ trượt dốc cuối phiên

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/5), khi nhà đầu tư tiếp tục băn khoăn về hướng đi của lạm phát…

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/5), khi nhà đầu tư tiếp tục băn khoăn về hướng đi của lạm phát.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài có phiên giảm thứ tư liên tiếp, trong đó lợi suất của trái phiếu 10 năm chạm mức thấp nhất hai tuần 1,557%. Lợi suất giảm xoa dịu nỗi lo của thị trường về khả năng leo thang của lạm phát. Hồi tháng 3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên mức 1,776%, cao nhất từ đầu 2020.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục trấn an về sức ép giá cả. Phó chủ tịch Fed Richard Clarida nói rằng Fed hoàn toàn có khả năng hạ nhiệt lạm phát tăng vọt trong trường hợp điều đó xảy ra, mà không gây trệch hướng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid.

Giá cả tăng là điều mà thị trường đã lường trước khi kinh tế Mỹ hồi phục. Nhưng điều khiến nhà đầu tư lo lắng là tốc độ tăng của giá cả.

Theo chiến lược gia Jim Paulsen thuộc The Leuthold Group, ở thời điểm hiện tại, thị trường trái phiếu có vẻ không lo lắng về vấn đề lạm phát. Nhà đầu tư một mặt tin rằng Fed có thể đúng khi nói lạm phát chỉ là tạm thời, nhưng mặt khác cũng lo lắng khi Fed bắt đầu phát tín hiệu sẽ bàn tới việc cắt giảm chương trình mua tài sản.

“Thị trường trái phiếu đang gần như ở trong trạng thái cân bằng giữa hai yếu tố này”, ông Paulsen nói.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,24%, còn 34.312,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,21%, còn 4.188,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,03%, còn 13.657,17 điểm.

Giới phân tích nói rằng thị trường có thể tiếp tục giằng co nhẹ cho tới ngày thứ Năm tuần này, khi chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng – được công bố. Cách đây 2 tuần, chứng khoán Mỹ đã bán tháo khi Bộ Lao động đưa ra chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vượt xa dự báo.

Với mức giảm 2,04%, năng lượng là nhóm yếu nhất trong 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 phiên ngày thứ Ba. Trong đó, cổ phiếu Exxon Mobil giảm 2,26% sau khi nguồn thạo tin nói rằng công ty quản lý quỹ BlackRock muốn đưa một số nhân vật từ quỹ đầu cơ Engine No. 1 vào Hội đồng Quản trị của hãng dầu lửa khổng lồ.

Tăng 0,31%, nhóm bất động sản là một điểm sáng trong phiên này, hưởng lợi từ việc lợi suất trái phiếu giảm.

Chỉ số S&P 500 hiện giảm khoảng 1% so với đỉnh cao mọi thời đại thiết lập hôm 7/5.

Cổ phiếu hàng không cũng là một nhóm tăng trong phiên này, hưởng lợi từ những dự báo về hoạt động đi lại tăng vọt ở Mỹ trong mùa hè năm nay. Sau khi đưa ra dự báo lạc quan về lượng hành khách và doanh số vé, cổ phiếu United Airlines và Hawaiian Holdings tăng tương ứng 1,5% và 3,6%.

Cổ phiếu hãng sản xuất máy bay Boeing tăng 1,39% sau khi ký hợp đồng bán thêm 14 chiếc 737 MAX cho công ty cho thuê phi cơ SMBC Aviation Capital.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,53 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,77 lần. Toàn thị trường có 9,48 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 10,41 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Theo vneconomy

https://vneconomy.vn/nha-dau-tu-hoi-hop-ngong-so-lieu-lam-phat-chung-khoan-my-truot-doc-cuoi-phien.htm

Bài viết liên quan