Không còn lo nhiều về lạm phát, nhà đầu tư mạnh tay gom mua cổ phiếu công nghệ – nhóm đã bị bán tháo thời gian gần đây…
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/5), với cả hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng tăng khoảng 1%, nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống. Không còn lo nhiều về lạm phát, nhà đầu tư mạnh tay gom mua cổ phiếu công nghệ – nhóm đã bị bán tháo thời gian gần đây vì sức ép tăng lãi suất.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, công nghệ là nhóm tăng mạnh nhất phiên này, với mức tăng khoảng 2%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần, nâng đỡ những cổ phiếu vốn hoá lớn có mức tăng trưởng cao, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ.
Theo hãng tin Reuters, nỗi lo lạm phát đã dịu đi trong tâm trí nhà đầu tư ở thời điểm hiện nay. Thị trường bắt đầu cho rằng kế hoạch đầu tư hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden sẽ phải thu hẹp nhiều mới có thể được thông qua tại Quốc hội Mỹ, nên sẽ không gây ra nhiều áp lực lạm phát và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng ban đầu.
Giám đốc đầu tư Bill Stone của Glenview Trust nói rằng cổ phiếu tăng trưởng được nhà đầu tư để mắt nhiều trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ lợi suất giảm. “Tiền đang quay trở lại với cổ phiếu tăng trưởng. Những nhóm tăng mạnh nhất trong ngày hôm nay đều là cổ phiếu tăng trưởng. Vẫn đang diễn ra một cuộc chiến giằng co giữa cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị”, ông Stone nói.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,54%, đạt 34.393,98 điểm. S&P 500 tăng 0,99%, đạt 4.197,05 điểm. Nasdaq tăng 1,41%, đạt 13.661,17 điểm.
Hai cổ phiếu công nghệ lớn Apple và Microsoft tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu, trở thành cú huých lớn nhất cho sự đi lên của S&P 500. Trước phiên tăng này, công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất từ đầu tháng và từ đầu năm do áp lực từ nỗi lo lạm phát và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Năm ngoái, môi trường lạm phát thấp và lãi suất thấp là cơ sở cho sự leo thang không biết mệt của cổ phiếu công nghệ.
Chứng khoán Mỹ đã biến động mạnh trong những tuần gần đây khi giới đầu tư nghiền ngẫm các số liệu kinh tế khả quan và lo ngại rằng những nút thắt cổ chai về nguồn cung có thể dẫn tới một thời kỳ giá cả tăng mạnh và kéo dài. Thị trường lo điều đó có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và cắt giảm chương trình mua tài sản sớm hơn dự kiến.
Cùng với đó, thị trường được hỗ trợ bởi tình hình lợi nhuận quý 1 khả quan của các doanh nghiệp niêm yết và triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế đang mở cửa trở lại nhờ vaccine.
Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói rằng ông dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ vượt ngưỡng mục tiêu 2% của Fed trong năm nay và năm tới, nhưng nhiều quan chức Fed, bao gồm cả ông, tiếp tục ủng hộ việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua ảnh hưởng của Covid-19.
Một số liệu kinh tế quan trọng được nhà đầu tư ở Phố Wall chờ đợi trong tuần này là dữ liệu tiêu dùng cá nhân, dự kiến công bố vào ngày thứ Năm. Đây là một thước đo lạm phát mà Fed ưa thích.
Tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư cũng gia tăng khi giá tiền ảo hồi phục sau cú bán tháo mạnh mẽ vào cuối tuần. Giá đồng Bitcoin đã trở lại vùng 39.000 USD sau khi giảm dưới 32.000 USD vào ngày Chủ nhật.