OPEC đang mất dần sức ảnh hưởng

OPEC đang mất dần sức ảnh hưởng

Dù OPEC và đồng minh đã đẩy mạnh cắt giảm sản lượng, nhưng giá dầu vẫn không tăng.

Có ít nhất 4 lần trong 15 tháng qua, các thành viên của liên minh OPEC+ đẩy mạnh cắt giảm sản lượng. Nhưng giá dầu chỉ tăng trong thời gian ngắn rồi giảm trở lại.

Sau khi lên gần mức 100 USD/thùng, giá dầu trở lại với xu hướng giảm. Và khi liên minh OPEC+ thông báo cắt giảm 5% sản lượng vào cuối tháng 11/2023, nhưng giá dầu vẫn giảm 10% trong 2 tuần sau đó.

Ngay cả khi sự gián đoạn ở Biển Đỏ thúc đẩy giá dầu Brent hồi phục lên mức 79 USD/thùng, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức 85 USD/thùng vào thời điểm OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng vào tháng 10/2022. Nhóm OPEC+ rõ ràng đang dần đánh mất sức ảnh hưởng của mình với thị trường dầu.

Vì đâu nên nỗi? 

Cách đây 7 năm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh đã hợp tác cùng nhau và kiểm soát hơn 50% nguồn cung dầu trên thế giới.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của hoạt động sản xuất dầu ở Mỹ và các quốc gia khác đã làm thay đổi bức tranh nguồn cung. Trong nội bộ của OPEC+, các thành viên cũng bị nghi ngờ không tuân thủ theo hạn ngạch sản lượng. Chưa hết, nhà đầu tư còn hoài nghi về sự gắn kết trong liên minh này, nhất là sau khi Angola thông báo rời nhóm.

“Tôi không biết OPEC+ có còn đủ sức ảnh hưởng để duy trì đà tăng của giá dầu hay không”, Alex Turnbull, Chuyên gia quản lý danh mục tại Sagax Capital, chia sẻ.

Sự trỗi dậy của dầu đá phiến ở Mỹ

Điều khiến liên minh OPEC+ lo ngại tại thời điểm này là nguồn cung mới từ sa mạc ở Tây Texas và bờ tây Nam Mỹ. Nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1.9 triệu thùng/ngày trong năm nay, theo S&P Global Commodity Insights. Nguồn cung mới từ các quốc gia bên ngoài OPEC+ đã tăng thêm 2.5 triệu thùng/ngày, chủ yếu là đến từ Mỹ, Brazil và Guyana.

Đây là yếu tố thôi thúc các nỗ lực thúc đẩy giá dầu. Ả-rập Xê-út cần mức giá dầu 88 USD/thùng để đạt điểm cân bằng về tài khóa, đồng thời tài trợ cho quá trình chuyển dịch nền kinh tế thoát khỏi dầu mỏ, theo Goldman Sachs.

Các đợt cắt giảm sản lượng khiến OPEC+ có công suất dư thừa ít nhất 6 triệu thùng/ngày, Harry Altham, Chuyên viên phân tích dầu tại StoneX Group, chia sẻ.

Việc cắt giảm mạnh sản lượng nhưng không thể thúc đẩy giá đang làm nản lòng các nhà sản xuất. Cùng với đó, các thành viên OPEC+ cũng bị cám dỗ phải sử dụng công suất dư thừa và do đó, họ khó lòng tuân thủ theo mục tiêu sản lượng, Vikas Dwivedi, Chiến lược gia về dầu khí toàn cầu tại Macquarie Group, chia sẻ.

Nhu cầu dầu toàn cầu và nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC+

“Họ sẽ không tuân theo mục tiêu sản lượng”, Dwivedi cho biết. “Hầu hết thành viên sẽ phản đối cắt giảm sản lượng tại thời điểm này”.

Sự gắn kết trong OPEC+ cũng là một vấn đề lớn với nhà đầu tư. Cuộc họp hồi tháng 11/2023 đã bị trì hoãn 4 ngày vì các thành viên không đồng thuận về đề xuất cắt giảm thêm sản lượng. Sau cuộc họp, một số quốc gia tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng thay vì đưa ra một thỏa thuận mới về hạn ngạch sản lượng. Phần lớn đợt cắt giảm tự nguyện đến từ Iraq và Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), nhưng giới đầu tư tỏ ra hoài nghi về cam kết của các nước này.

Sau khi OPEC giảm hạn ngạch sản lượng của Angola, quốc gia Tây Phi này đã lên tiếng phản đối, rồi sau đó quyết định rời OPEC.

Việc tuân thủ hạn ngạch thất thường từ lâu đã là một vấn đề đối với OPEC, nhưng Ả-rập Xê-út thường xuyên tự điều chỉnh sản lượng để bù đắp cho phần thiếu hụt.

Theo một nghiên cứu, năm 2012, giá dầu có thể tăng thêm 39 USD/thùng nếu OPEC không tăng sản lượng dầu trong lúc sản xuất ở Iran, Libya và các quốc gia khác bị gián đoạn. Trong giai đoạn tháng 5/2020-8/2021, giá dầu lẽ ra giảm 36 USD/thùng, nếu OPEC+ không cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong bối cảnh COVID-19 bóp nghẹt nhu cầu dầu.

Sản lượng dầu thô từ OPEC

Tuy nhiên, bức tranh giờ đã khác. Ả-rập Xê-út hiện bơm ít dầu nhất trong hơn 1 thập kỷ (ngoại trừ thời điểm đáy dịch COVID-19). Trong khi đó, Nga lại phụ thuộc vào dầu để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Vì vậy, gánh nặng giảm sản lượng phải rơi vào các nhà sản xuất nhỏ hơn trong OPEC.

Dù vậy, Jorge León, Chuyên gia năng lượng tại Rystad Energy và từng làm việc ở OPEC, tin rằng nhóm này vẫn sẽ gắn kết với nhau. Ông León chỉ ra mức độ tuân thủ đã cải thiện kể từ năm 2016. “OPEC đang trong tình thế tốt hơn so với năm 2016, vì không còn ai cạnh tranh với họ ở vai trò nhà sản xuất chi phối”, León cho biết.

Liệu OPEC+ có khôi phục sức ảnh hưởng của mình hay không? Điều này còn phụ thuộc vào nhu cầu dầu toàn cầu, vì nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC+ ngày càng tăng.

Tăng trưởng nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm 2024 được dự báo thấp hơn năm nay (vốn được hỗ trợ bởi sự mở cửa trở lại của kinh tế Trung Quốc). S&P Global Commodity Insights dự báo việc tăng sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC+ sẽ lại cao hơn mức tăng của nhu cầu.

Bối cảnh như vậy không hề có lợi cho OPEC+, Adi Imsirovic, trader kỳ cựu trên thị trường dầu, cho biết. “Sức ảnh hưởng của OPEC sẽ mạnh trong một thị trường mạnh, nhưng sẽ yếu trong một thị trường yếu”, Imsirovic chia sẻ. “OPEC vẫn còn gặp rắc rối lớn cho đến khi nhu cầu hồi phục mạnh”.

https://vietstock.vn/2023/12/opec-dang-mat-dan-suc-anh-huong-34-1136552.htm

Bài viết liên quan

qcqc
qcqc