Phó Thống đốc Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ

Phó Thống đốc Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ

Việc tăng lãi suất điều hành vừa qua là cần thiết. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành phù hợp…

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong bối cảnh hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh, việc điều hành lãi suất, tỷ giá đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo ông, trong 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, cuối tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất điều hành dựa trên 4 yếu tố.

“Ngay cả Fed cũng phải tăng lãi suất tới 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về mức gấp đôi so với trước dịch. Như vậy lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá”.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thứ nhất, xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao.

Thứ hai, ở trong nước, lạm phát chung trong tầm kiểm soát nhưng chỉ dấu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ là lạm phát cơ bản so với cùng kỳ đã tăng từ mức 0,66% tháng 1/2022 lên 3,82% vào tháng 9/2022. Điều này buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất. Dù vậy, xu hướng lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục tăng mạnh trong tháng 10 và 11 và hiện nay đạt mức 4,81%.

Thứ ba, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Trong nước, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực từ đầu năm, đặc biệt trong 2 tuần cuối tháng 10. Để giữ VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Thứ tư, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng rất chậm khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu vốn. Do đó, việc tăng lãi suất giúp tổ chức tín dụng thu hút thêm nguồn vốn. Từ đó, có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Theo Phó Thống đốc, với 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành vừa qua, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng của toàn cầu.

Trong khi đó, ngay cả Fed cũng phải tăng lãi suất tới 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về mức gấp đôi so với trước dịch. Như vậy lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Dự báo vẫn còn nhiều áp lực lên chính sách tiền tệ nói chung, điều hành chính sách lãi suất từ yếu tố quốc tế và trong nước, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết: “Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ”.

https://vneconomy.vn/pho-thong-doc-dieu-hanh-lai-suat-phu-hop-voi-can-doi-vi-mo-lam-phat-va-muc-tieu-chinh-sach-tien-te.htm?fbclid=IwAR1n4VrJXCpAgsZTm9GIehEXIFd0YvhokKujk31ZmIr2G0uMqGJYPPHP04Q

Bài viết liên quan

qcqc
qcqc