Các định chế tài chính Phố Wall đã phác thảo kế hoạch đảm bảo thị trường trái phiếu Mỹ – bộ phận thiết yếu của thị trường tài chính – vẫn vận hành trong kịch bản nước Mỹ vỡ nợ.
Theo kế hoạch của Phố Wall, các nhà đầu tư vẫn sẽ có thể giao dịch mọi trái phiếu chính phủ Mỹ, kể cả những trái phiếu đã quá hạn trả lãi hay gốc.
Khi Bộ Tài chính Mỹ không thể trả được nợ, một chuỗi cuộc họp giữa các chủ thể thị trường sẽ được tổ chức. Nghị trình của các cuộc họp này đã được Hiệp hội Chứng khoán và Thị trường Tài chính Mỹ (SIFMA) chuẩn bị từ trước.
Người đứng đầu nỗ lực của SIFMA là ông Robert Toomey, cựu luật sư của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Những người như ông Toomney vừa muốn có kế hoạch giảm thiểu thiệt hại, vừa muốn các bên hiểu rằng tác động của vỡ nợ không thể xem nhẹ.
“Đây là việc lập kế hoạch trước để mọi người có thể ra quyết sách nếu chúng ta rơi vào tình thế hỗn loạn”, ông nói.
Kế hoạch của Phố Wall
Trong một cuộc họp báo hồi tuần trước, ông Toomey tiết lộ nhiều chủ thể trên thị trường tài chính Mỹ bất ngờ khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố nước Mỹ có thể vỡ nợ ngay từ 1/6 nếu Quốc hội không nâng trần nợ công.
Mốc thời gian này sớm hơn tính toán của giới chuyên gia và gây chấn động tới ngành tài chính Mỹ. Các công ty tại Phố Wall phải tích cực lên kế hoạch để giảm thiểu thiệt hại nếu kịch bản xấu xảy ra.
Tuy nhiên, họ không phải bắt đầu từ con số không. Kế hoạch của Phố Wall cho kịch bản vỡ nợ đã phôi thai từ hơn một thập kỷ trước, khi nước Mỹ cũng từng đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama mâu thuẫn với các nghị sĩ Cộng hòa.
Sau khi vụ việc được dàn xếp, một quan chức Fed tại New York tuyên bố các bên tham gia thị trường đã không thể hành động một cách hiệu quả và được phối hợp tốt để đối phó trong trường hợp vỡ nợ. Từ thời điểm đó, bản kế hoạch đã dần thành hình – với hai mũi nhọn là SIFMA và một nhóm thành viên thị trường được chi nhánh Fed tại New York bảo trợ.
SIFMA được kỳ vọng sẽ báo trước một ngày nếu khả năng nước Mỹ không trả được nợ trở nên rõ ràng. Cuộc họp đầu tiên sẽ được tổ chức vào 18h45 cùng ngày (theo giờ miền Đông nước Mỹ). Cuộc gặp thứ hai diễn ra lúc 22h15.
Hai cuộc họp này có mục đích trả lời câu hỏi: Liệu Bộ Tài chính Mỹ có quyết định lùi thời gian trả gốc các trái phiếu đến hạn vào sáng hôm sau thêm một ngày hay không? (Khi đó, số tiền gốc sẽ được trả cho người nắm trái phiếu vào đêm trước ngày đến hạn mới – thay vì ngày đến hạn ban đầu).
Nếu điều này xảy ra, hoạt động giao dịch trái phiếu Mỹ – tài sản vốn được coi là an toàn gần ngang tiền mặt – sẽ vẫn có thể tiếp diễn gần như bình thường. Vòng lặp họp – kéo dài thời hạn trái phiếu này sẽ vẫn tiếp diễn tới khi Bộ Tài chính Mỹ có khả năng trả tiền.
Vẫn chưa rõ liệu Bộ Tài chính Mỹ có để khoản nợ nào quá hạn trả hay không, kể cả khi cơ quan này không còn tiền để chi trả mọi chi phí cần thiết. Năm 2011, chỉ đến những phút cuối cùng, Bộ Tài chính Mỹ mới quyết định ưu tiên dành tiền để trả nợ trước các khoản chi khác.
Bản kế hoạch đánh giá Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục đấu giá nợ để có tiền trả lãi cho trái chủ. Trong khi đó, cơ quan trên sẽ tạm hoãn các khoản chi không phải để trả nợ nhằm giữ lượng tiền cần thiết để trả lãi trái phiếu.
Về phần mình, bà Yellen cho biết hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính có thể khiến cơ quan này không thể ưu tiên một khoản thanh toán hơn các khoản cần thanh toán khác.
Tác động vẫn còn
Trong những ngày qua, nhiệm vụ chính của ông Toomey và các đồng nghiệp tại SIFMA là đảm bảo rằng tất cả thành viên của hiệp hội – từ các đơn vị môi giới tới các ngân hàng và quỹ quản lý tài sản – đều nắm rõ kế hoạch.
Tuy vậy, kế hoạch của SIFMA không thể đảm bảo rằng thị trường trái phiếu vẫn sẽ ổn định sau khi nước Mỹ vỡ nợ. Các hệ thống máy tính – vốn có nhiệm vụ đảm bảo các khoản nợ được trả tự động – sẽ cần được thiết lập lại thủ công.
Kể cả khi các nhà đầu tư vẫn có khả năng giao dịch trái phiếu đã tới hạn, họ có thể không muốn làm vậy, tạo nên những lỗ hổng trong hệ thống tài chính.
Xếp hạng tín nhiệm của nước Mỹ cũng sẽ có nguy cơ tụt dốc. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện theo dõi hạ bậc, dù tạm thời vẫn giữ xếp hạng AAA cho cường quốc kinh tế số một thế giới.
Trước đó, một nhà phân tích tại Moody’s cũng tuyên bố hãng tín nhiệm này có thể thay đổi đánh giá triển vọng của Mỹ từ ổn định sang tiêu cực.
Trong những tuần qua, các nhà đầu tư đã có xu hướng tránh mua các trái phiếu ngắn hạn đến hạn vào đầu tháng 6 do lo ngại bị chậm trả tiền. Thay vào đó, họ mua các tài sản khác có mức độ rủi ro thấp hơn.
Một số định chế tài chính Phố Wall cũng đã tuyên bố họ muốn giảm thiểu tác động của kịch bản vỡ nợ ở cả các lĩnh vực khác ngoài thị trường trái phiếu.
Các ngân hàng như JPMorgan hay Bank of America sẵn sàng trả tiền bảo hiểm xã hội cho các khách hàng trước vài ngày với hy vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận trong thời gian đó.
Hồi tháng 2, Giám đốc điều hành Bank of America Brian Moynihan cho biết ngân hàng này sẽ chuẩn bị cho kịch bản miễn phí thanh toán trễ hạn và các loại chi phí khác cho các khách hàng được chính phủ trả lương – điều họ từng làm trong đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng khác.
“Chúng tôi có khá nhiều khách hàng nhận lương từ chính phủ. Chúng tôi phải đảm bảo rằng mọi thứ đã được chuẩn bị đối với họ”, ông nói trên truyền hình.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
https://zingnews.vn/pho-wall-da-san-sang-neu-nuoc-my-vo-no-post1434272.html