Chiều ngày 4/1, tại Thanh tra Chính phủ (TTCP), Phó Tổng TTCP Lê Sỹ Bảy đã chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Phó Tổng TTCP Lê Sỹ Bảy phát biểu tại cuộc họp công bố kết luận thanh tra về xăng dầu – Ảnh: VGP
|
Nhiều vi phạm, tồn tại trong quản lý xăng dầu
Phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra, Phó Tổng TTCP Lê Sỹ Bảy ghi nhận những cố gắng của Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội… Tuy nhiên, quá trình thực hiện không tránh khỏi những tồn tại, thiếu sót.
Phó Tổng Thanh tra Lê Sỹ Bảy đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện kết luận thanh tra trong thời gian sớm nhất theo đúng yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo.
TTCP sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện xử lý sau thanh tra. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến phát biểu tại buổi công bố và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại báo cáo kết quả thực hiện xử lý sau thanh tra.
Chánh Thanh tra Bộ Công thương Lê Việt Long tiếp thu toàn bộ nội dung của kết luận thanh tra, ý kiến của lãnh đạo TTCP.
Tại buổi công bố kết luận thanh tra, Phó Vụ trưởng Vụ I (TTCP) Vũ Quốc Công đã công bố nội dung kết luận thanh tra.
Theo kết luận thanh tra, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là yếu tố “đầu vào” của các hoạt động sản xuất kinh doanh; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập; công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu của một số bộ, ngành có nhiều hạn chế, tồn tại, vi phạm… dẫn đến, gián đoạn nguồn cung xăng dầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phát triển kinh tế…
Liên quan việc cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối (TNPP) xăng dầu, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/6/2022, Bộ Công Thương cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (chưa bao gồm 4 giấy phép cấp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp cho hoạt động hàng không) và cấp 347 giấy xác nhận đủ điều kiện làm TNPP. Do quy định tại khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 13 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP điều kiện để cấp giấy phép, giấy xác nhận đối với kho, bể xăng dầu “… thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ 5 năm trở lên…”.
Việc cho phép thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận như trên chưa khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu, dẫn đến khó đáp ứng được yêu cầu về kho dự trữ xăng dầu thương mại theo quy định.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và TNPP xăng dầu chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và TNPP ký hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu chỉ theo mùa vụ, theo thực tế sử dụng để giảm chi phí.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm ở khâu cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và TNPP.
Việc thực hiện kiểm tra các điều kiện sau khi cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và giấy xác nhận đủ điều kiện làm TNPP xăng dầu, theo kết luận thanh tra, từ 1/1/2017 đến 30/6/2022, sau khi được cấp giấy phép, nhiều thương nhân đầu mối KDXD trong thời gian hoạt động KDXD không đảm bảo hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng… ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
“Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc duy trì điều kiện về kho, bể chứa, về hệ thống phân phối xăng dầu… để xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 8 và khoản 6 Điều 14 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP”, TTCP khẳng định.
Về quản lý, điều hành giá xăng dầu tại Luật Giá số 11/2012/QH13 quy định việc bình ổn giá xăng dầu bằng định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá áp dụng có thời hạn, hiện nay Nhà nước đang quản lý giá xăng dầu thông qua việc xây dựng giá cơ sở xăng dầu. Tuy nhiên, việc xây dựng giá cơ sở có nhiều tồn tại, bất cập, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu chưa theo sát thị trường, ảnh hưởng đến việc tạo nguồn và phân phối xăng dầu. Đây là một trong những nguyên nhân, dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Liên Bộ Công Thương – Tài chính thiếu kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối KDXD, dẫn đến một số thương nhân đầu mối KDXD xây dựng giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu thiếu cơ sở.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (1) ngày của năm trước liền kề, nhưng từ năm 2017 đến ngày 30/9/2022, có 15/34 (tính số kiểm tra là 15/15) thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (chiếm 90% thị phần xăng dầu tiêu thụ trong nước) dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu thiếu về số tháng trong năm, số ngày trong tháng với tổng sản lượng xăng dầu dự trữ thiếu hơn 1 triệu tấn/m3. Khi nguồn cung khan hiếm, không đủ xăng dầu dự trữ để bán ra thị trường, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, bình ổn thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu thời gian qua.
Kiến nghị giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu 3 vụ việc
Trên cơ sở đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện các biện pháp xử lý về cơ chế, chính sách; về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm; xử lý kinh tế.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật với một số nội dung sau:
Một là, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đổi với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Hai là, Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Ba là, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.
https://vietstock.vn/2024/01/thanh-tra-chinh-phu-cong-bo-ket-luan-thanh-tra-ve-quan-ly-xang-dau-giai-doan-tu-2017-den-thang-62022-34-1143584.htm