‘Tôi từng biến 10 triệu đồng thành 1,5 tỷ đồng nhờ tiền mã hóa’

‘Tôi từng biến 10 triệu đồng thành 1,5 tỷ đồng nhờ tiền mã hóa’

Chia sẻ với phóng viên Zing, Phạm Quang – một nhà đầu tư trẻ tuổi – kể lại hành trình đặt chân vào thị trường tiền mã hóa khốc liệt.

Không giống 3-4 năm trước, tiền mã hóa nay đã trở thành thuật ngữ quen thuộc tại Việt Nam. Kể từ thời điểm giá một số đồng tiền mã hóa – điển hình như Bitcoin và Ethereum – tăng mạnh từ cuối năm 2020 và nhanh chóng lập ra nhiều kỷ lục mới đầu năm 2021, mọi ánh mắt của các đầu tư trẻ tại Việt Nam đều hướng đến thị trường đầy biến động này.

Vào một buổi chiều nắng nóng tại Hà Nội, được người quen giới thiệu, phóng viên Zing gặp Phạm Quang, một nhà đầu tư tiền mã hóa, tham gia thị trường từ năm 2017. “Tôi là Phạm Quang, 25 tuổi, hiện là kiến trúc sư. Tôi từng bỏ 10 triệu đồng để đầu tư vào thị trường tiền mã hóa và thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng”, anh giới thiệu.

Đang học tập tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, môi trường vốn không có quá nhiều sự liên quan đến lĩnh vực tài chính, Phạm Quang có niềm đam mê đặc biệt tới thị trường chứng khoán. Đến năm 2017, sau khi được một người bạn đi du học về giới thiệu, lần đầu tiên Phạm Quang biết đến thuật ngữ tiền mã hóa.Phạm Quang bắt đầu gia nhập thị trường tiền mã hóa từ năm 2017. Ảnh: Minh Khánh.

Toi dau tu tien ma hoa anh 2
Phạm Quang bắt đầu gia nhập thị trường tiền mã hóa từ năm 2017. Ảnh: Minh Khánh.

Mày mò và hi vọng

“Bitcoin nói riêng hay tiền mã hóa nói chung khi ấy còn quá non trẻ. Ngay cả khi được bạn bè chia sẻ, cảm xúc tôi khi ấy vẫn rất mâu thuẫn. Mặc dù tiềm năng, không thể phủ nhận là đến bây giờ tôi vẫn giữ chút nghi ngờ về thị trường này”, anh ngập ngừng kể.

Phạm Quang không phải nhà đầu tư đời đầu. Thời điểm anh tham gia, giá Bitcoin đã chạm ngưỡng gần 20.000 USD/đồng. Đây là giai đoạn hoàng kim của Bitcoin. Sau vụ nổ bong bóng cuối năm 2017 và năm 2018, giá đồng tiền này sụt giảm mạnh xuống mốc 3.000 USD/đồng.

Với số vốn khởi điểm khoảng 10 triệu đồng kiếm từ việc đi làm thêm, anh Phạm Quang cùng bạn bè tìm hiểu, mày mò thông tin về Bitcoin trên các sàn giao dịch nổi tiếng như Bittrex. Giống hầu hết nhà đầu tư khác, anh hy vọng Bitcoin sẽ đem về cho mình khoản lợi nhuận khổng lồ.

“Không ai là không muốn giàu nhanh. Có rất nhiều hội nhóm trao đổi, thảo luận về tiền mã hóa mọc lên ở Việt Nam. Mặc dù vậy, kiến thức của lĩnh vực này vẫn còn hạn chế và gói gọn trên những trang diễn đàn nước ngoài”, anh kể. Phạm Quang cho biết quá trình mua bán coin trên các sàn khi ấy rất phức tạp.Một nửa số tiền Phạm Quang kiếm được từ coin đa cấp bốc hơi. Ảnh: Minh Khánh.

Toi dau tu tien ma hoa anh 3
Một nửa số tiền Phạm Quang kiếm được từ coin đa cấp bốc hơi. Ảnh: Minh Khánh.

Nếu không cẩn thận, người dùng có thể mất trắng số tiền giao dịch vì nhập sai địa chỉ ví hoặc mạng lưới. Chỉ cần nhầm lẫn một ký tự, số tiền của người dùng sẽ được chuyển đến địa chỉ ví khác.

Đây là sai lầm cơ bản của người dùng mới tham gia. Trong trường hợp này, người dùng chỉ còn cách tìm đến đến đội ngũ hỗ trợ của sàn. Tuy nhiên, không phải lúc nào trường hợp này cũng được giải quyết.

Không ai là không muốn làm giàu nhanh

Phạm Quang

“Sau khi chia sẻ các quyết định đầu tư vào tiền mã hóa, thời gian đầu, tôi nhận được nhiều lời can ngăn, chủ yếu xuất phát từ gia đình”, Phạm Quang nói. Tuy khởi đầu bằng số tiền tự tay làm ra, anh cho biết bản thân không muốn giấu chuyện bố mẹ. Bên cạnh việc chia sẻ về quyết định đầu tư, Phạm Quang tin rằng anh sẽ nhận được nhiều lời khuyên từ gia đình.

Chân ướt chân ráo gia nhập thị trường khi mới 21 tuổi, anh từng mất định hướng và không có bất cứ kế hoạch đầu tư cụ thể. “Tôi từng băn khoăn không biết nên đi theo hướng của một holder (nhà đầu tư dài hạn) hay trader (nhà đầu tư lướt sóng). Để hiểu rõ mình nên đầu tư vào loại coin nào, mỗi nhà đầu tư cần có định hướng rõ ràng”, anh hồi tưởng.

“Hiện tại tôi đang đi theo hướng của một swing trade (nhà đầu tư đa năng), tức là nắm giữ các danh mục đầu tư có thể trong vài tiếng, vài ngày hoặc vài tháng, khi nào được giá tôi sẽ bán ngay chứ không kỳ vọng giá lên cao nữa”, Phạm Quang giải thích.

Mất tiền vì coin đa cấp

Sau khi cảm thấy con trai đã đủ chín chắn và biết quản lý khoản tiền đầu tư, bố mẹ Phạm Quang nay đã thoải mái hơn nhiều. Nếu công việc ổn định, anh hi vọng sẽ có thêm cơ hội nghiên cứu và dành nhiều thời gian cho tiền mã hóa.

Giai đoạn 2016-2018 là thời điểm nhiều dự án tiền mã hóa đa cấp như Bitconnect hay Hextracoin nở rộ. Phạm Quang kể thông qua những dự án này, anh từng thắng lớn nhưng cũng mất gần như tất cả. “Với số vốn 10 triệu đồng, sau khi đầu tư vào Hextracoin hay những hệ tiền mã hóa lừa đảo như vậy, tôi kiếm về 1,5 tỷ đồng và mở được một quán cà phê trên đường Trần Huy Liệu”, anh chia sẻ.

“Tuần trăng mật” diễn ra ngắn ngủi. Chẳng bao lâu sau, các dự án tiền mã hóa đa cấp sụp đổ, thổi bay hơn 700 triệu đồng lợi nhuận của Phạm Quang. Phần vì vắng khách, phần muốn gỡ lại số tiền đã mất, anh bán lại quán cà phê thời gian sau đó.

Mất một nửa số tiền kiếm được, anh đau khổ. Tuy nhiên, so với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà đầu tư từng phá sản vì những loại coin đa cấp lừa đảo như Bitconnect, Phạm Quang tự nhận mình vẫn là một người may mắn.Theo Phạm Quang, kiến thức và tâm lý của nhà đầu tư là những yếu tố mấu chốt quyết định phần trăm rủi ro và cơ hội. Ảnh: Finary.

Toi dau tu tien ma hoa anh 4
Theo Phạm Quang, kiến thức và tâm lý của nhà đầu tư là những yếu tố mấu chốt quyết định phần trăm rủi ro và cơ hội. Ảnh: Finary.

“Vì chưa bị lẹm vào vốn, tôi thật sự không có ý định trả thù thị trường. Mặc dù vậy, không ít lần tôi có nảy sinh ý định bỏ cuộc. Bạn biết đấy, khi kiếm được một số tiền quá lớn trong thời gian ngắn, chỉ tầm 2 tháng thôi, và chứng kiến khoản tiền đó cứ mất dần mất mòn, tôi đã vô cùng thất vọng. Mọi thứ đều không như tôi nghĩ, thị trường quá khốc liệt và bắt tôi trả lại tiền”, anh bộc bạch.

Trước cơn sốt tiền mã hóa, giới đầu tư tại Việt Nam đã có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin về thị trường. Theo Phạm Quang, kiến thức và tâm lý của nhà đầu tư là những yếu tố mấu chốt quyết định phần trăm rủi ro và cơ hội.

Để hạn chế rủi ro, chiến thuật đầu tư của Phạm Quang là tập trung vào hệ coin nền tảng, tức những đồng tiền mã hóa có blockchain riêng, có đội ngũ phát triển tốt và lộ trình cụ thể. “Một khi đã nắm rõ kiến thức, nếu đồng tiền đó có đi ngược lại những nhận định của mình, tôi sẽ thoát ra và tìm những cơ hội tốt hơn”, anh cho biết.

“Coin động vật là tiền mã hóa dựa trên sự may rủi”

Bên cạnh đó, khi thị trường biến động mạnh, các nhà đầu tư tâm lý yếu thường có xu hướng hoảng loạn, bán tháo hoặc cắt lỗ. Một số nhà đầu tư sau khi thua lỗ nảy sinh tâm trạng trả thù thị trường, hy vọng gỡ lại số tiền đã mất.

“Khi đầu tư, tôi luôn luôn thống nhất tư tưởng sẽ mất đi số tiền đó. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, tâm trạng bản thân cũng không chịu tác động quá nhiều”, anh kể.

Ngoài ra, việc đánh các lệnh giao dịch với đòn bẩy cao như future (dự đoán giá đồng coin lên xuống trong tương lai) cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với công việc chính là một kiến trúc sư, thời gian Phạm Quang dành cho việc tham khảo giá cả rất ít, thường là về buổi tối. Do vậy, khi đánh lệnh, nhắm tránh những diễn biến xấu của thị trường, anh thường đặt sẵn mốc dừng lỗ.

Không chỉ là vấn đề tiền bạc, trải nghiệm và kiến thức thu lại là vô giá

Phạm Quang

Chia sẻ cảm nghĩ về trào lưu coin động vật, Phạm Quang cho rằng nền tảng những đồng tiền mã hóa này không đáng tin. Trên hết, việc hàng loạt đồng coin như Dogecoin, Shiba Inu coin, Aquagoat tăng giá quá nhanh có thể xuất phát từ sự làm giá từ thị trường.

“Coin động vật có thể là cơ hội kiếm tiền cho những trader chuyên nghiệp. Còn đối với tôi, đây những đồng tiền mã hóa dựa trên sự may rủi”, anh nhận định.

Nhờ có lộ trình và kế hoạch đầu tư cụ thể, Phạm Quang đã kiếm được trên dưới 200 triệu đồng từ thị trường tiền mã hóa. Với số tiền đó, anh sắm một chiếc xe máy mới, số tiền còn lại anh thường rút ra để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.

“Thị trường tiền mã hóa để lại không ít bài học cho tôi. Mọi thứ không chỉ liên quan đến vấn đề tiền bạc, với tôi, những trải nghiệm và kiến thức thu lại được mới là vô giá”, anh nói.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Không chỉ thế, việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền mã hóa như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật thừa nhận hay bảo vệ.

Bài viết liên quan

qcqc
qcqc