Basel Markets – Kết thúc phiên 18/2, giá dầu Brent tương lai tăng 57 cent, tương đương 0,6%, lên 93,54 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 69 cent, tương đương 0,5%, xuống 91,07 USD/thùng.
Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 0,9%, tuần tăng thứ 9 liên tiếp, WTI giảm 1,7% – kết thúc đợt tăng 8 tuần liên tiếp.
Sunil Kumar Dixit, giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SK Charting, nói WTI có thể quay lại kiểm tra 95,8 USD/thùng và vượt mốc được kỳ vọng 100 USD/thùng hoặc giảm xuống dưới 89 USD/thùng. Đây là biên độ trong bối cảnh thị trường năng lượng đã tăng suốt hai tháng và có vẻ sắp kiệt sức.
Căng thẳng Nga – phương Tây liên quan tình hình Ukraine tiếp tục là tiêu điểm. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc đến trừng phạt 5 lần trong bài phát biểu tối 18/2, cho rằng Nga “đang tìm cớ để tấn công Ukraine” trong khi Moscow nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Theo Investing, nếu thị trường còn bình tĩnh thì phần nào đó là nhờ Nhà Trắng đảm bảo gói trừng phạt đầu tiên sẽ không gồm ngăn Nga tiếp cận hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT – biện pháp về lý thuyết khiến Moscow khó bán dầu hơn, gây thiệt hại về tài chính cho nước này.
Trong trường hợp Nga không thể tiếp cận SWIFT, với tình hình thị trường hiện tại, việc giá dầu lên 100 USD/thùng, thậm chí 125 USD/thùng là điều không cần bàn cãi.
Trong khi đó, Iran đang tiến từ từ trên con đường trở lại thị trường năng lượng chính thống. Đàm phán phi chính thức giữa Mỹ và Iran có tín hiệu tích cực, một quan chức EU cấp cao cho biết họ đã cận kề một thỏa thuận để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhưng thành công hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm từ các bên.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/2 nhưng giảm 1,9 triệu thùng tại Cushing, bang Oklahoma – cửa ngõ giao dầu WTI. Tổng cung sản phẩm – một thước đo lực cầu – tăng lên kỷ lục 22,1 triệu thùng/ngày trong 4 tuần qua, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Các nhà sản xuất dầu đang chật vật để bắt kịp lực cầu cũng như các mục tiêu riêng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kêu gọi OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, xóa bỏ khoảng cách giữa sản lượng mục tiêu và thực tế.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 10 giàn khoan dầu và khí đốt, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 645 giàn khoan, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 4 lên 520, số giàn khoan khí tăng 6 lên 124 còn số giàn khoan dự phòng giữ nguyên 1.
Thị trường Mỹ nghỉ giao dịch ngày Tổng thống 21/2.
Ảnh: Reuters. |
Kim loại quý
Giá vàng ngày 18/2 giữ quanh 1.900 USD/ounce trong bối cảnh kỳ vọng đàm phán Nga – Mỹ có thể trấn an thị trường phần nào. Giá vàng giao ngay tại sàn New York giữ ở 1.899,2 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.902,22 USD/ounce cao nhất kể từ tháng 6/2021. Giá vàng tương lai giảm 0,1% xuống 1.899,8 USD/ounce.
“Thị trường vàng có một tháng 2 khá tốt và sẽ gặp kháng cự ở quanh 1.930 USD/ounce”, theo Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA.
“Chỉ trong vài tháng, nhà đầu tư đã thay đổi thái độ với vàng. Phố Wall từ kỳ vọng kinh tế bùng nổ 4% năm nay và trở lại bình thường vào năm sau sang lo sợ Fed mạnh tay thắt chặt chính sách, có thể đẩy kinh tế vào suy thoái sớm trong năm 2024”.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, nhanh nhất kể từ năm 1984, sau khi suy giảm 3,5% năm trước đó vì Covid-19. Tuy nhiên, lạm phát còn tăng nhanh hơn với chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 tăng 7%, nhiều nhất kể từ năm 1982.
Fed đã hạ lãi suất về cận 0 sau khi Covid-19 bùng nổ hồi tháng 3/2020. Ngân hàng trung ương Mỹ được dự báo tăng lãi suất năm nay để ứng phó lạm phát.
Dixit cho rằng giá vàng vẫn đang trong xu hướng tăng và có thể lên đến 1.975 USD/ounce trong trung hạn. Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn là 1.886 – 1.890 USD/ounce.
DALE BUSINESS ANALYST BASEL MARKETS