Trung Quốc, Nhật Bản loay hoay ứng phó với đồng USD tăng giá

Trung Quốc, Nhật Bản loay hoay ứng phó với đồng USD tăng giá

Giới chức Trung Quốc và Nhật Bản đang loay hoay ứng phó với xu hướng tăng giá của đồng USD, vì sức mạnh của đồng bạc xanh đe doạ đẩy tỷ giá đồng nhân dân tệ và đồng yên xuống mức thấp kỷ lục…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Reuters.

Ngày 6/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đặt tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ ở mức cao bất ngờ so với kỳ vọng của thị trường. Động thái này được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về sự mất giá của nhân dân tệ.

Về phía Nhật Bản, một quan chức cấp cao đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về sự mất giá của đồng yên, như một nỗ lực để ngăn chặn đà bán tháo ngày càng lớn.

“Chừng nào Nhật Bản chưa can thiệp vào thị trường ngoại hối, nhà đầu cơ càng cảm thấy được khuyến khích. Đồng yên có thể giảm về mức 160 yên đổi 1 USD”, ông Chris Turner, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của ngân hàng ING, nhận định với tờ Financial Times.

Hai nền kinh tế lớn nhất của khu vực châu Á đã hưởng lợi từ đà mất giá của đồng nội tệ – nhân tố hỗ trợ xuất khẩu. Năm nay, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 5,6% so với USD, trong khi đồng yên giảm 11% còn hơn 147 yên đổi USD, trong bối cảnh đồng USD được nâng đỡ bởi sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc và Nhật Bản đều đang lo ngại về tốc độ mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ mỗi nước trước sự tăng giá mạnh mẽ của USD.

Tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ ngày 6/9 được PBOC đặt ở mức 7,1969 Nhân dân tệ đổi 1 USD, cao hơn 0,11 điểm phần trăm so với dự báo của giới phân tích và đây là mức chênh lệch kỷ lục. Tỷ giá tham chiếu được PBOC đưa ra mỗi buổi sáng hàng ngày, và tỷ giá nhân dân tệ trên thị trường ở Trung Quốc đại lục được phép dao động trong biên độ +/-2% xung quanh mức này.

Nhân dân tệ kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9 tại thị trường đại lục ở mức 7,31 nhân dân tệ đổi 1 USD, gần mức đáy thiết lập vào tháng 10 năm ngoái – thời điể nhiều thành phố Trung Quốc phải phong toả để chống Covid-19.

Giới phân tích cho rằng việc nâng mạnh tỷ giá tham chiếu cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về nguy cơ tháo chạy của dòng vốn khỏi Trung Quốc nếu Nhân dân tệ mất giá quá nhanh quá sâu.

Khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc phát hành bằng đồng Nhân dân tệ đã gia tăng trong những tuần gần đây, đặt ra khả năng đẩy mạnh hơn dòng vốn chảy khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc. Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán tháo trên thị trường cổ phiếu nước này.

“Trung Quốc đang rất lo lắng về vấn đề ổn định tỷ giá ở thời điểm này, nhất là sau khi nhà đầu tư thoái vốn khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tháng 8”, chiến lược gia trưởng Ken Cheung của Mizuho Bank nhận định.

Tháng trước, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 12 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc, khi các biện pháp kích cầu mới nhất của Bắc Kinh không thể giải toả mối lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

“Nếu bảo đảm được ổn định tỷ giá, PBOC có thể có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ – một việc rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế ở thời điểm này”, ông Cheung nói.

Diễn biến chỉ số Dollar Index từ đầu năm tới nay.
Diễn biến chỉ số Dollar Index từ đầu năm tới nay.

Thứ trưởng phụ trách vấn đề quan hệ quốc tế của Bộ Tài chính Nhật Bản, ông Masato Kanda, ngày 6/9 phát biểu trước báo giới rằng “nếu những biến động này của tỷ giá đồng yên tiếp diễn, Chính phủ Nhật Bản sẽ có phản ứng phù hợp mà không loại trừ bất kỳ khả năng nào”.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ so với trái phiếu chính phủ Nhật Bản thậm chí còn lớn hơn chênh lệch giữa trái phiếu kho bạc Mỹ so với trái phiếu trái phiếu chính phủ Trung Quốc, vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì lãi suất siêu thấp.

Ông Kit Juckes, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối ngân hàng Societe Generale, nói các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản “có thể khiến thị trường thận trọng với khả năng đồng yên giảm giá quá mức 150 Yên đổi 1 USD, nhưng các yếu tố nền tảng hiện nay không hề có một chút nào có lợi cho yên”.

“Tôi cho rằng áp lực mất giá đối với đồng yên có thể được giải toả trong ngắn hạn, nhưng đồng yên khó mà hồi phục được”, ông Juckes nói thêm.

https://vneconomy.vn/trung-quoc-nhat-ban-loay-hoay-ung-pho-voi-dong-usd-tang-gia.htm

Bài viết liên quan

qcqc
qcqc