USD dừng tăng, Bitcoin lao dốc, vàng vững ở mức cao

USD dừng tăng, Bitcoin lao dốc, vàng vững ở mức cao
Tag: #bitcoin,#kinhtechinhtri,#thitruong,#tienso,#tinkinhte,baselmarkets

USD giảm khỏi mức cao kỷ lục 16 tháng so với euro, đô la Australia và đô la New Zealand trong bối cảnh các nhà giao dịch trấn tĩnh lại để đánh giá xem đà tăng của USD gần đây đã quá mức hay chưa.

Đồng USD gần đây liên tiếp tăng do các nhà đầu tư đặt cược vào chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ. Những dữ liệu về lạm phát của Mỹ tháng 10 công bố vào tuần trước và doanh số bán lẻ vừa công bố đầu tuần này tăng mạnh hơn dự kiến càng thúc đẩy tâm lý đánh cược rằng Fed sẽ đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi sự biến động trên thị trường ngoại hối vẫn trong tầm dự đoán thì các nhà đầu tư có những nhận định khác nhau về phản ứng khác nhau của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đối với vấn đề lạm phát gia tăng – yếu tố đang thúc đẩy thị trường tiền tệ sôi động.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền tệ chủ chốt – cuối chiều 18/11 theo giờ Việt Nam giảm 0,1% so với mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2020 ở phiên liền trước (96,222) xuống 95,694.

Đồng euro – gần đây suy yếu, ở quanh mức thấp nhất 16 tháng – hồi phục nhẹ thêm 0,1% lên 1,1334 USD. Những nhà đầu tư euro cuối cùng cũng thở phào khi đồng tiền chung ngừng giảm so với USD.

Đô la New Zealand cũng tăng 0,6% lên 0,7041 USD sau khi kết quả một cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương nước này cho thấy lạm phát ngắn hạn dự kiến ​​sẽ tăng trong quý IV. Đô la Australia cũng hồi phục từ mức thấp nhất 6 tuần.

Giá dầu giảm xuống dưới 80 USD/thùng chỉ trong một đêm sau khi cả Mỹ và Trung Quốc đều ám chỉ rằng sẽ sử dụng dầu dự trữ để hạ nhiệt giá nhiên liệu này – yếu tố gây áp lực giảm giá tiền tệ của những nước xuất khẩu dầu lớn – nhưng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 bị đình trệ có thể châm ngòi cho lạm phát của châu Âu tăng lên.

Đồng bảng Anh cũng tăng 0,5% lên mức cao nhất 1 tuần so với USD, 1,3503 USD, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát tháng 10 của Anh tăng mạnh, gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh trong việc phải tăng lãi suất sau kỳ họp tháng tới.

Đô la Canada giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần trong bối cảnh các nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Canada sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào đầu năm tới sau khi lạm phát tháng 10 của nước này cao nhất trong vòng 18 năm. Đồng crone của Na Uy cũng giảm trong phiên này.

So với tiền Nhật Bản, USD ở mức 114,18 JPY, vẫn quanh mức cao nhất 4,5 năm.

Tại Châu Á, các nhà đầu tăng tăng đặt cược vào đồng nhân dân tệ, đẩy đồng tiền này lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng, bất chấp rủi ro từ lĩnh vực bất động sản của nước này. Các vị thế mua nhân dân tệ kỳ hạn xa đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 6. Sản lượng công nghiệp và dữ liệu bán lẻ mạnh mẽ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang hỗ trợ đồng nhân dân tệ tăng giá.

Mối quan hệ ‘băng giá’ giữa Trung Quốc với Mỹ có dấu hiệu sẽ sớm ấm lên sau Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình – mang lại cơ hội xóa bỏ một phần thuế quan giữa hai nước.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế Thái Lan hồi phục khi nền kinh tế này mở cửa trở lại sau đại dịch, trước tiên là lĩnh vực du lịch – trụ cột kinh tế – đã khiến nhiều nhà đầu tư giảm tâm lý tiêu cực đối với baht Thái. Năm nay, Baht Thái là đồng tiền hoạt động kém hiệu quả nhất trong khu vực, song một số người đã nhìn thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’ và cho rằng kinh tế Thái bắt đầu hồi phục dần.

Nhà đầu tư cũng tăng cường đặt cược giá tăng cho đồng đô la Singapore và rupiah Indonesia, nhưng tiếp tục bán khống các loại tiền rupee Ấn Độ, peso Philipinnes và won Hàn Quốc.

Tại các thị trường mới nổi, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống còn 11 lira/USD, đưa mức giảm từ đầu năm đến nay lên 25% do lạm phát đã tăng lên 20%, làm gia tăng áp lực lên Tổng thống Tayyip Erdogan, có thể buộc ngân hàng trung ương Thổ phải giảm lãi suất thêm ít nhất 100 điểm cơ bản, số liệu của Basel Markets.

Về triển vọng của thị trường tiền tệ, một số nhà phân tích cho rằng đà tăng của USD không thể kéo dài mãi.

Luc Luyet, chiến lược gia FX tại Pictet Wealth Management, cho biết: “Xu hướng tăng giá hiện tại của USD khó có thể kéo dài trong vài tháng tới”, và “Kỳ vọng của thị trường về Fed đang bắt đầu trở nên đặc biệt diều hâu, cho thấy yếu tố đó sẽ tạo ra những hạn chế đối với xu hướng đồng đô la Mỹ trong tương lai.”

Tuy nhiên, các nhà phân tích của ING cho rằng: “Quan điểm của chúng tôi là đồng đô la vẫn có nhiều khả năng tiếp tục tăng giá so với tiền tệ của những nước có lãi suất thấp, nhưng xen giữa những đợt tăng giá sẽ là những khoảng ngừng hoặc giảm nhẹ, nhường chỗ cho những tiền tệ khác hoặc hàng hóa”.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin đã mất mốc 60.000 USD, lúc 18h30 ngày 18/11 giảm xuống 59.630 USD. Trong khi đó, ether giữ vững quanh mức 4.200 – 4.300 trong suốt 24 giờ qua, hiện ở mức 4.223 USD, số liệu từ Basel Markets.

Giới phân tích cho rằng, việc Bitcoin quay đầu giảm giá chỉ là sự điều chỉnh lành mạnh trước khi tăng giá tăng thêm nữa. Crypto Ed, một nhà phân tích nổi tiếng, cho hay giá Bitcoin có thể giảm sâu hơn dự đoán trước khi chạm mốc 70.000 USD.

Nhà giao dịch kỳ cựu Peter Brandt cũng cho rằng giá Bitcoin có thể còn tiếp tục giảm và ông sẽ mua thêm tiền ảo này khi nó về mức 53.000 USD. Brandt cũng cho hay ông sẽ tạm rời thị trường tiền điện tử và tập trung vào các thị trường truyền thống như hàng hóa và cổ phiếu.

USD dừng tăng, Bitcoin lao dốc, vàng vững ở mức cao - Ảnh 1.
Diễn biến Bitcoin 24 giờ qua.

Giá vàng thế giới dao động trong biên độ hẹp do các nhà đầu tư vẫn băn khoăn về tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.

Giá vàng giao ngay cuối ngày 18/11 vững ở mức 1.864,50 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 giảm nhẹ 0,2% xuống 1.866,90 USD. Đồng USD yếu đi giúp cho vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades cho biết: “Hiện tại, rất khó để vàng tìm ra hướng đi cho mặt hàng vàng do sự không chắc chắn liên quan đến diễn biến của đồng USD và khả năng phản ứng của Fed và các ngân hàng trung ương khác đối với lạm phát”.

Vàng thỏi, được coi là hàng rào chống lại lạm phát, đã tăng giá mạnh mẽ khi lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu tăng. Nhưng lạm phát quá nóng cũng sẽ dẫn tới việc các ngân hàng trung ương phải sớm nâng lãi suất – điều sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Stephen Innes, người quản lý của công ty SPI Asset Management cho biết: “Cho đến khi Fed thực sự báo hiệu một sự tăng tốc (thắt chặt tiền tệ) nhanh chóng, vàng sẽ duy trì trong phạm vi 1.850 – 1.875 USD như hiện tại. Nếu ông Lael Brainard được bổ nhiệm làm chủ tịch mới của Fed – người được coi là có chính sách ‘siêu bồ câu’, giá vàng có thể sẽ được đẩy lên 1.875 USD.”

Ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ sớm công bố lựa chọn vị trí Chủ tịch Fed. Một số nguồn tin cho biết, ông Biden đang cân nhắc khả năng tái bổ nhiệm ông Jerome Powell, hoặc có thể chọn Thống đốc Fed Lael Brainard cho vị trí Chủ tịch Fed nhiệm kỳ kế tiếp.

DALE BUSINESS ANALYTICS BASEL MARKETS

Bài viết liên quan