USD giảm mạnh, vàng mất mốc 2.000 USD, Euro, Bitcoin và chứng khoán tăng vọt

USD giảm mạnh, vàng mất mốc 2.000 USD, Euro, Bitcoin và chứng khoán tăng vọt
Tag: #bitcoin,#kinhtechinhtri,#thitruong,#tienso,#tinkinhte,baselmarkets,gallencapital,Gold

Đồng euro tăng mạnh, hơn 1% so với USD, khi tâm lý ưa chuộng tài sản rủi ro lại dấy lên trên thị trường tài chính và giá hàng hóa giảm khỏi mức cao kỷ lục.

Từ mức thấp nhất 22 tháng hôm 7/3, là 1,0806 USD, đồng euro vào lúc kết thúc ngày 9/3 theo giờ Việt Nam đã hồi phục lên mức 1,1019 USD, tăng 1,15% so với ngày trước đó, sau khi một báo cáo trích dẫn thông tin cho biết EU đang thảo luận về việc phát hành trái phiếu chung để tài trợ cho năng lượng và chi tiêu quốc phòng.

Joseph Trevisani, nhà phân tích cấp cao của FXStreet.com, cho biết chỉ một tháng trước, đồng euro đã gần chạm mức 1,15 USD nên sự sụt giảm nhanh chóng xuống dưới 1,10 USD có thể đã quá mức.

“Đó là một động thái cực kỳ nhanh và mạnh, do đó tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy một số hoạt động chốt lời và sự đảo chiều một phần cũng vì lý do đó”, ông nói.

Jane Foley, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Rabobank ở London, cho biết: “Các đồng tiền châu Âu đã chịu áp lực nặng nề trong vài tuần qua và một số đã giảm quá đà”.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền các tệ đối tác chủ chốt, bao gồm đồng euro – kết thúc ngày 9/3 theo giờ Việt Nam giảm 0,851% xuống 98,276, sau khi đạt mức cao nhất 22 tháng vào thứ Hai (7/3).

Các thị trường cũng phản ứng tích cực với việc giá hàng hóa giảm. Trong những ngày qua, giá hàng hóa tăng quá mạnh đã góp phần làm tăng lạm phát và tăng thêm sự thiếu chắc chắn về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Giá dầu thô Brent đã giảm từ khoảng 140 USD xuống khoảng 120 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm xuống khoảng 117 USD/thùng. Mặc dù vậy, giá cả 2 loại dầu vẫn tăng khoảng 40% so với hôm 23/2 – một ngày trước khi Nga thực hiện “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine, và hiện vẫn cao nhất kể từ năm 2008.

Một số nhà đầu tư cho rằng lệnh cấm dầu Nga mà Mỹ áp đặt có thể không làm trầm trọng thêm cú sốc nguồn cung, và người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết cơ quan này có thể khai thác thêm các kho dự trữ dầu nếu thấy cần thiết. Giá dầu giảm đã giúp các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall ngày thứ Tư (9/3) bật tăng, kết thúc 4 phiên giảm liên tiếp, khi các nhà đầu tư săn lùng cổ phiếu giá hời sau khi chứng khoán lao dốc trong những ngày qua bởi lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Nhà phân tích Trevisani nói: “Đó chắc chắn tâm lý thích rủi ro đang trỗi dậy trong ngày hôm nay trên tất cả các thị trường”.

Các đồng tiền châu Âu như zloty của Ba Lan và forint của Hungary tăng mạnh, phục hồi từ mức thấp kỷ lục so với đồng euro, cũng được hỗ trợ bởi cả hai ngân hàng trung ương tăng lãi suất vào thứ Ba (8/3).

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhóm họp vào thứ Năm (10/3) nhưng trong bối cảnh “bóng ma” lạm phát đình trệ đang hiện hữu, thị trường tiền tệ dự kiến ​​các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất cho đến cuối năm nay.

Điều đó, cùng với việc có quá nhiều nỗi lo về nguy cơ xung đột ở Ukraine đang lan rộng, khiến các nhà phân tích cho rằng đồng euro không có nhiều khả năng hồi phục mạnh hơn nữa, nhất là giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất và nhu cầu trú ẩn an toàn vẫn còn đó.

Antje Praefcke, Chuyên gia phân tích ngoại hối của ngân hàng Commerzbank cho biết: “Trong khi sự không chắc chắn xung quanh xung đột quân sự và giá năng lượng vẫn ở mức cao, thì sự biến động trên thị trường ngoại hối cũng khó có thể giảm bớt, khiến đồng đô la Mỹ có lợi thế là nơi trú ẩn an toàn”.

Đồng bảng Anh tăng 0,49% so với đồng đô la lên 1,31655 USD vào lúc kết thúc ngày 9/3 theo giờ Việt Nam; đồng zloty của Ba Lan tăng 6,07% so với đồng bạc xanh lên 4,3095 và forint của Hungary tăng 3,62% lên 342,72.

Tiền tệ châu Á cũng hầu hết tăng trong phiên 9/3, dẫn đầu là rupiah Indonesia.

USD giảm mạnh, vàng mất mốc 2.000 USD, Euro, Bitcoin và chứng khoán tăng vọt - Ảnh 1.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ Châu Á.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng vọt sau khi Nhà Trắng thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp vào thứ Tư (9/3) yêu cầu chính phủ đánh giá rủi ro và lợi ích của việc tạo ra đồng đô la kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, cũng như các vấn đề tiền điện tử khác.

Các nhà phân tích đã cho biết lệnh hành pháp này đã được chờ đợi từ lâu như một sự thừa nhận rõ ràng về tầm quan trọng ngày càng tăng của tiền điện tử, chẳng hạn như bitcoin và ether, và những tác động tiềm tàng của chúng đối với Mỹ và các hệ thống tài chính toàn cầu.

Bitcoin kết thúc ngày 9/3 theo giờ Việt Nam tăng 9% lên 42.260 USD, mức tăng lớn nhất kể từ ngày 28 tháng 2, trong khi đồng ether tăng 6,2% lên 2.737 đô la, cũng là mức tăng nhiều nhất trong tháng này.

USD giảm mạnh, vàng mất mốc 2.000 USD, Euro, Bitcoin và chứng khoán tăng vọt - Ảnh 2.
Giá bitcoin ngày 9/3.

Giá vàng giao ngay quay đầu giảm nhanh, mất 2,8% vào lúc kết thúc ngày 9/3 theo giờ Việt Nam, xuống 1.995,55 USD/ounce, kết thúc 4 phiên tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2020. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng giảm 2,2% xuống 1.999,40 USD.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết vị thế của vàng hiện vững chắc hơn nhiều so với trước khi xảy ra xung đột, bởi ngân hàng trung ương Mỹ và các nước khác khác sẽ rất thận trọng về cách giảm thanh khoản. Trong khi đó, nếu sự bất ổn địa chính trị hiện nay còn tiếp diễn, rất có thể chúng ta sẽ lại chứng kiến những mốc cao kỷ lục lịch sử mới của giá vàng.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan